Không có “lễ hội đâm trâu”, “lễ hội chém lợn”…

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 13/04/2015 08:07 AM (GMT+7)
"Tôi muốn giải thích thêm- không có “lễ hội đâm trâu”, “lễ hội chém lợn”… mà trong diễn trình một lễ hội của địa phương, của một vùng có diễn ra các “tục” và “cổ tục” nghi lễ đâm trâu, chém lợn", bà Trịnh Thị Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết.
Bình luận 0

Thưa bà, vừa qua Bộ VHTTDL đã ra Công văn số 943 về việc tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt nhấn mạnh “Không cấp phép, phục dựng lễ hội tràn lan”. Vậy cụ thể Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL những lễ hội nào thì được cấp phép, những lễ hội nào thì không được cấp phép và dựa trên tiêu chí nào?

- Trên thực tế đang còn một số ý kiến khác nhau về một số lễ hội, chủ yếu là các lễ hội có “tục”, “cổ tục” hiến sinh. Tôi muốn giải thích thêm- không có “lễ hội đâm trâu”, “lễ hội chém lợn”… mà trong diễn trình một lễ hội của địa phương, của một vùng có diễn ra các “tục” và “cổ tục” nghi lễ đâm trâu, chém lợn. Hiện tại, Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương cần xem xét, chưa cấp phép tổ chức các lễ hội như vậy trong thời điểm này.

img
Nghi lễ chém lợn tại hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh).  Ảnh: T.L

Là cơ quan quản lý, một mặt áp dụng các văn bản quản lý là công cụ để quản lý, song mặt khác cơ quan quản lý cũng cần phải xem xét tình hình hoạt động thực tế của mỗi mùa lễ hội, lắng nghe dư luận để điều chỉnh hoạt động lễ hội ngày càng tốt hơn.

Hiện tại Bộ VHTTDL khuyến cáo: Không cấp phép phục dựng lễ hội tràn lan (trong thời điểm hiện nay), bởi việc phục dựng một lễ hội truyền thống để đảm bảo nghi lễ truyền thống (phần lễ và phần hội) đòi hỏi một lộ trình; việc phục dựng tràn lan, vội vã sẽ làm biến dạng lễ hội và dễ xảy ra những bất cập, điều này chủ yếu xảy ra với các lễ hội tổ chức lần đầu sau nhiều năm gián đoạn.

Lễ hội tổ chức phải có nguồn gốc, lịch sử rõ ràng, đồng thời thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội theo các quy định. Chúng tôi dựa trên các tiêu chí đã được quy định rõ trong các nghị định, quyết định, quy chế đã được Chính phủ và Bộ VHTTDL ban hành.

Việc tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, vận động nhân dân loại bỏ, thay thế các tập tục theo bà sẽ phải tiến hành ra sao để người dân đồng thuận? Bởi như với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), việc tế lễ trâu đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội, thưa bà?

- Tất cả các nghi lễ, nghi thức như trên đang có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề này cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo, không thể nóng vội. Về quan điểm, Bộ không áp đặt cộng đồng loại bỏ việc thực hiện các nghi lễ có tính truyền thống, mà khuyến cáo các địa phương có các lễ hội còn duy trì các nghi thức, nghi lễ nêu trên cần xem xét, lựa chọn thay đổi một hình thức tổ chức phù hợp với đời sống hiện tại. Việc quyết định vẫn do cộng đồng (cộng đồng là chủ thể của lễ hội). Lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan, không thể áp đặt chủ quan duy ý chí.

Quan điểm

Bà Trịnh Thị Thủy
 Năm 2015, Bộ cũng ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở. Mục đích là nhằm tăng cường, đổi mới nội dung phương pháp quản lý để các địa phương tự điều chỉnh hoạt động lễ hội theo xu thế tích cực, tiến bộ”. 
Đối với nghi lễ “tế trâu” tại lễ hội chọi trâu Hải Phòng, nhìn từ góc độ văn hoá, đây là một giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp đã được hình thành và tồn tại từ lâu trong cộng đồng dân cư và trở thành nhu cầu văn hoá thiết yếu của chính cộng đồng đó. Việc thay đổi nghi lễ, nghi thức để phù hợp với xã hội đương đại là do chính cộng đồng đó quyết định.

 

Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo việc tổ chức lễ hội đó diễn ra lành mạnh, văn minh, không vi phạm pháp luật nhưng không đi ngược với lợi ích của chính cộng đồng dân cư đó. Tuy nhiên, có thể vận động cộng đồng không giết mổ trâu sau khi đã thực hành nghi lễ, vận động cộng đồng suy tôn và nuôi dưỡng (thay vì giết mổ) như trước đây.

Việc loại bỏ, thay thế các nghi lễ trong lễ hội nếu tiến hành gấp gáp e rằng sẽ gây xáo trộn và làm mất đi tính truyền thống của lễ hội. Quan điểm của bà thế nào?

- Các nghi thức, nghi lễ như “đâm trâu”, “cầu trâu”, “chém lợn”, “cướp phết”, “tranh lộc”… là những nghi thức, lễ thức truyền thống của chính lễ hội đó. Về quan điểm của chúng tôi, các nghi lễ đã tồn tại từ lâu đời trong đời sống cộng đồng đều mang đặc trưng riêng của từng cộng đồng. Việc thay đổi nghi lễ, nghi thức để phù hợp với xã hội đương đại cần được xem xét một cách thấu đáo, không nóng vội. Tôi cho rằng nếu cộng đồng lựa chọn thay thế bằng những hình thức phù hợp, như vậy không ảnh hưởng đến quy trình tổ chức một lễ hội truyền thống.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh từng chia sẻ để quản lý tốt hơn nữa các lễ hội, điều đầu tiên là sự phân cấp và có chế tài mạnh cho chính cơ quan quản lý tại địa phương đó. Bà nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Tôi đồng tình với quan điểm của Giáo sư Ngô Đức Thịnh và trên thực tế, hoạt động lễ hội thực hiện theo sự phân cấp quản lý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên trong từng thời điểm cụ thể, Bộ VHTTDL vẫn tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng để làm tròn trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bên cạnh dùng biện pháp hành chính để quản lý, việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân là vô cùng quan trọng, bởi các giá trị văn hóa là do nhân dân tạo nên vì lợi ích chính đáng của nhân dân, do nhân dân thực hiện và hưởng thụ.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem