Một số sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: IT
Thực phẩm GMO đã có lịch sử 30 năm nghiên cứu và được thử nghiệm nhiều hơn bất cứ loại thực phẩm nào khác trong lịch sử nông nghiệp. Mặc dù đã trở nên quen thuộc và phổ biến ở 29 quốc gia trên toàn thế giới, nhưng thực phẩm GMO vẫn là chủ đề gây rất nhiều tranh cãi, đặc biệt là mức độ an toàn với sức khỏe của cộng đồng.
Và dù phản đối hay ủng hộ, mỗi quan điểm đều có lý lẽ riêng, chính vì vậy buổi chiếu phim cũng như Tọa đàm góc nhìn khoa học về An toàn thực phẩm GMO đã khiến thực phẩm GMO đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, tạo thêm diễn đàn để công chúng cũng như những người quan tâm đến thực phẩm GMO có thể tiếp thu, trao đổi thông tin một cách cởi mở.
Đạo diễn Scott Hamilton Kennedy, người đã tạo nên bộ phim “Food Evolution” (tạm dịch: Sự tiến hóa của Thực phẩm) cho hay: “Chắc chắn, tôi không phải là một người ủng hộ hay phản đối GMO, tôi là một người tin vào khoa học. Tôi không hy vọng bộ phim này có thể lật lại toàn bộ cuộc tranh cãi về GMO. Đối với tôi, GMO hay không GMO, không có lựa chọn nào là hoàn hảo.
Biến đổi gen hay không biến đổi gen vẫn đang là tranh cãi lớn giữa nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học. Ảnh: IT
Food Evolution là bộ phim đứng từ góc nhìn khách quan, mô tả sự khó khăn cũng như tầm quan trọng của việc chúng ta quyết định sẽ lựa chọn loại thực phẩm nào để nuôi sống chính mình và dân số toàn thế giới theo cách an toàn, giàu dinh dưỡng và bền vững”.
Là người có thâm niên nhiều năm nghiên cứu về di truyền học, cũng như theo sát công nghệ biến đổi gen từ ngày đầu ở Việt Nam, GS.TS. Lê Huy Hàm, Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NNPTNT) khẳng định: “Sản phẩm cây trồng biến đổi gen đã được ứng dụng rộng rãi từ năm 1996 đến nay. Và qua 22 năm triển khai, diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn thế giới vào khoảng 2,1 tỷ ha, trải rộng trên diện tích của 29 quốc gia. Cho đến nay chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh thực phẩm từ cây trông biến đổi gen gây hại cho sức khỏe con người”.
Cũng theo GS.TS. Lê Huy Hàm, các sản phẩm của cây trồng biến đổi gen chủ yếu ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Và để được công nhận và được phép sử dụng ở Việt Nam, các loại cây trồng cũng như thực phẩm GMO phải được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng cùng mục đích.
“Trên thực tế chưa có bất cứ loại cây trồng hay thực phẩm nào được nghiên cứu kỹ như thực phẩm GMO. Vì vậy không nên vội vàng đưa ra đánh giá an toàn hay không an toàn, mà nên dựa vào các kết quả nghiên cứu khoa học" - GS.TS Lê Huy Hàm kết luận.
Các diễn giả tham gia buổi Tọa đàm về An toàn thực phẩm biến đổi gen. Ảnh: CropLife
Điểm đặc biệt của buổi Tọa đàm chính là sự quan tâm rất lớn của các bạn trẻ về thực phẩm GMO, điều này phần nào minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy của cộng đồng nói chung, người tiêu dùng nói riêng. Nguyễn Đức Trung – một câu bé mới học lớp 8 nhưng đã có những câu hỏi vô cùng sắc sảo về thực phẩm GMO, mà theo đánh giá GS.TS Lê Huy Hàm là “sự bất ngờ đầy thú vị”.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, Ngài Robert Hanson, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại HN cho biết: “Bản thân tôi đến từ một gia đình làm nông nghiệp, được hưởng những lợi ích trực tiếp từ công nghệ sinh học (CNSH) ngay từ ngày đầu tiên, khi công nghệ này được giới thiệu vào 20 năm trước. Tôi đã tận mắt chứng kiến CNSH tồn tại song song cùng với các hệ thống nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp truyền thống”.
“Trong những chuyến đi vòng quanh thế giới của mình, tôi cũng được quan sát trực tiếp những lợi ích của CNSH đối với người nông dân, người chăn nuôi gia súc cũng như người tiêu dùng tại Tây Phi, Châu Âu và khắp Châu Á. Năng suất tăng trưởng có được nhờ CNSH đã góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời giảm áp lực lên môi trường do việc phá rừng và mở rộng đất canh tác” –Ngài Robert Hanson nhấn mạnh.
Sự kiện cũng tạo thêm cầu nối để những người tham dự cập nhật thông tin, góc nhìn khoa học với tính an toàn của thực phẩm GMO cũng như các cách tiếp cận nguồn thực phẩm được cho là an toàn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt với các bạn học sinh, sinh viên, đây là cơ hội tương tác, trao đổi thêm với các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam, từ đó hình thành cho riêng mình tư duy khoa học, phản biện về đề tài này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.