Nhiều người phải bỏ mạng oan vì gas rởm
Gas rởm tràn lan, người dùng mất mạng oan
Theo ông Trần Trọng Hữu - Tổng thư ký Hiệp hội gas Việt Nam (VIETGAS), thực tế hoạt động kinh doanh gas cho thấy, tình trạn gian lận thương mại, chiếm dụng tài sản của các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến.
“Trên thị trường, rất nhiều tổ chức, cá nhân không có vốn đã lợi dụng kẽ hở luật pháp để thu giữ trái phép vỏ bình gas của các doanh nghiệp kinh doanh. Sau đó, chiết nạp khí gas trái phép vào những vỏ bình gas này, rồi bán ra thị trường mà không hề qua thẩm tra an toàn, chất lượng. Vỏ bình gas không phải tài sản của họ, tại sao họ tàng trữ? Đây là hành vi phạm pháp. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp kinh doanh, nhà sản xuất và đặc biệt là người tiêu dùng”, ông Hữu nói.
Hoạt động kinh doanh gas rởm vẫn xuất hiện trên thị trường gas
Trong quá khứ, từng có nhiều vụ việc các đối tượng mài mòn vỏ bình phần thương hiệu dập nổi, sau đó đắp thương hiệu mới lên, sơn lại đồng thời cắt quai bình gas cũ, hàn quai mới. Ngoài ra, đối tượng còn cắt thân bình gas thương hiệu này ráp vào bình thương hiệu khác kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, sau đó cho ra lò một bình gas với thương hiệu lạ. Người tiêu dùng mua phải bình gas rởm, vỏ bình gas cũ kỹ kém chất lượng, trọng lượng bình không đạt yêu cầu, dẫn tới những vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng như vụ nổ bình gas mini tại phòng trọ của hai vợ chồng ở Bình Dương vào giữa tháng 4.2013 khiến cả hai bị bỏng 40% cơ thể. Hay vụ nổ bình gas, sập nhà 3 tầng khiến 2 cháu bé tử vong tại phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tháng 11.2011.
Theo ông Trần Trọng Hữu, trong Nghị định 19 không quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản của doanh nghiệp kinh doanh gas nên khi xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân lấy lại bình ga của doanh nghiệp, cơ quan chức năng không xử lý được. Ngoài ra, việc cơ quan chức năng tổ chức đấu giá những vỏ bình gas lậu thu giữ được cũng là sai, bởi chúng vốn thuộc sở hữu của một doanh nghiệp khác. Nếu xác mình được nguồn gốc xuất xứ, cần trả lại cho họ.
Có 25 tỷ, hãy mơ kinh doanh gas
Liên quan tới điều kiện về trạm cấp LPG/LNF/CNG trong Nghị định 19, ông Nguyễn Khắc Trí - Phó TGĐ Công ty Gas Petrolimex chia sẻ, hiện nay chưa có khái niệm rõ ràng về trạm cấp. Đơn giản, một hộ gia đình với một bình gas cũng là một trạm cấp. Cao hơn, một vài bình gas nặng từ 45 - 50 kg trong khách sạn cũng sử dụng khái niệm trạm cấp. Hay một bồn chứa gas từ 25 - 50 tấn nằm trong khu dân cư cũng là trạm cấp.
Ông Trí phân tích: “Điều kiện về chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp đối với trạm cấp. Riêng phần phí tư vấn cho những đầu mục này đã mất từ 100 tới 150 triệu, lớn hơn rất nhiều so với giá trị của một trạm cấp nhỏ. Một trường hợp khác, là bình gas cấp phép bởi thành phố Đà Nẵng giá 1,2 triệu mỗi bình đã được thẩm định. Tôi đã hỏi thành phố Đà Nẵng là trong thành phố có bao nhiêu trạm cấp mà phí lại cao tới vậy?”.
Quy định có 100.000 vỏ bình gas mới được kinh doanh gas bị đánh giá là quá sức với doanh nghiệp gas
Còn ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang) cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phá sản sau khi Nghị định 19 về kinh doanh khí được ban hành. Theo Nghị định 19, các doanh nghiệp kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình, cùng bồn chứa 300m3. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng, cầm cố tài sản. Nếu chỉ tính riêng vỏ bình, mỗi doanh nghiệp sẽ cần ít nhất 25 tỷ để đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định. Không những thế, doanh nghiệp còn phải chi trả tiền thuê kho chứa.
Ông Tùng nói: “Hôm nay tôi đến cùng với nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. Trước khi Nghị định 19 ban hành, có 43 người cùng ngồi với tôi. Giờ chỉ còn gần 30 người”.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương cho biết đã gửi tới các doanh nghiệp trong ngành bản dự thảo 2 về sửa đổi Nghị định 19. Ông Tân cho biết, dự thảo được tạo lập dựa trên sự sự thấu hiểu lẫn nhau giữa nhà quản lý và doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp có vấn đề gì xin hãy gửi thông tin đến cho Bộ Công Thương qua các hình thức khác nhau như văn bản, email hoặc trao đổi để xây dựng Nghị định 19 thực sự phù hợp”, ông Tân nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.