Không được thu phí điều tiết điện lực

Thứ năm, ngày 21/06/2012 07:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 20.6, khi thảo luận về Luật Điện lực, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí rằng không nên thu phí điều tiết điện lực, bởi sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện.
Bình luận 0

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) băn khoăn với một loại phí mới dự kiến bổ sung vào dự thảo luật, đó là phí điều tiết hoạt động điện lực. Loại phí này được các đơn vị điện lực trả cho Cục Điều tiết điện lực, một cơ quan thuộc Bộ Công Thương.

img
Ảnh minh họa

“Nếu làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện lực, Cục Điều tiết điện lực không được thu loại phí này vì về nguyên tắc chi phí thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước phải được ngân sách nhà nước đảm bảo”, ĐB Trang đề nghị và cho rằng, nếu luật cho phép thu loại phí này, liệu có công bằng với các cục, tổng cục khác thuộc Bộ Công Thương cũng tham gia quản lý nhà nước về điện lực và sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện.

ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) đề xuất nên giảm bớt các loại mức giá trong cơ cấu giá điện hiện nay nhằm tránh phức tạp và dễ dẫn đến không minh bạch trong quản lý, những thành phần thuộc diện chính sách hay diện cần hỗ trợ của Nhà nước thì cần có cơ chế riêng, tránh hỗ trợ trực tiếp vào giá điện, những vùng khó khăn, hải đảo, vùng xa chưa có lưới điện thì Chính phủ có cơ chế giá riêng.

Về điều chỉnh giá điện, ĐB Nga cũng đề nghị cần xây dựng các tiêu chí minh bạch, thực tế cho thấy mỗi lần tăng, giảm giá điện luôn tạo ra những lo lắng, xáo trộn nhất định trong xã hội. “Tôi đề xuất Chính phủ quy định khung giá điện có thể theo chu kỳ, theo mùa trong năm để ngành điện chủ động điều tiết khi cần thiết” - ĐB Nga nói.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, cả nước chỉ còn 202 xã chưa có điện lưới. “Với những quy định của dự thảo luật đối với các tỉnh khó khăn về ngân sách thì không thể thực hiện được việc xây dựng lưới điện cũng như người dân khó có khả năng chi trả tiền điện, ví dụ đảo Quan Lạn ở Quảng Ninh, giá điện người dân đang sử dụng là 17.000đ/kw là rất cao” - ĐB Thành dẫn chứng.

Thông qua 5 dự án luật

Chiều 20.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 dự án luật, gồm: Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo Luật Giá, có hiệu lực từ 1.1.2013, Nhà nước sẽ giữ quyền định khung giá đối với giá phát điện; giá bán buôn điện và mức giá bán lẻ điện bình quân. UBTVQH cho rằng, việc định giá điện phải bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và ổn định sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc quy định khung giá đối với giá bán lẻ bình quân là phù hợp. Quy định này giúp phát triển thị trường điện, thu hút các thành phần kinh tế vào ngành điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem