I.
Cuối tháng 7, khi công việc mùa vụ khép lại là lúc những người dân ở các xã Xuân Mãn, Bằng Khánh, huyện Lộc Bình(Lạng Sơn) lại tiếp tục công việc đi săn dế! Họ gọi đây là nghề lúc nông nhàn.
Anh Nông Văn Sơn, ở thôn Tằm Lịp, xã Xuân Mãn tỏ ra lo lắng khi chúng tôi đòi theo anh đi săn dế: “Nắng và xa lắm! Mất một ngày trời đó, chú có đi nổi không?”. Biết thế tôi vẫn gật, để được chứng kiến một ngày mưu sinh trên những sườn núi Mẫu Sơn giữa mùa hè nóng như chảo rang.
Lật đá săn dế.
Trên chiếc xe máy cà tàng, những tay thợ săn dế tiến thẳng lên Mẫu Sơn. Đi gần 1 tiếng đồng hồ, đến km số 8, anh Sơn và mọi người dừng lại dắt xe máy vào nhà một người dân tộc Dao cạnh đường gửi. Anh Sơn chỉ lên những đồi cỏ cao chót vót: “Đó! Săn dế trên những đỉnh đồi đó”.
Anh Sơn kể: “Tôi làm nghề này cũng đã được gần ba năm nay rồi. Dân trong vùng hết đi rừng lại tìm bắt dế bán. Loại dế được săn có màu đen, sống trong những bãi cỏ, dưới những hòn đá, con to nhất bằng ngón tay út”. Dụng cụ săn dế chỉ đơn giản là một chiếc bao tải, miệng bao được túm lại gắn thêm ống tre để khi bắt được dế bỏ vào. Mùa săn dế kéo dài từ đầu tháng 4 đến tháng 12, họ chỉ nghỉ những ngày mùa vụ và 3 tháng mùa đông.
Từ sáng sớm, mọi người đã chuẩn bị xong cơm nắm, nước uống và bắt đầu cho cuộc săn. “Phải là sáng sớm vì lúc này con dế vẫn còn trong những bãi cỏ, chưa chui xuống hang. Với lại mình phải cần nhiều thời gian để bắt được nhiều dế”, anh Sơn nói.
Anh Sơn khoe con dế vừa bắt được.
Địa điểm săn dế là những sườn núi trên km8 đường lên khu du lịch Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Đang thở hổn hển vì leo lên dốc dựng đứng, bỗng anh Sơn dừng lại dùng bàn tay úp nhẹ vào bụi cỏ, rồi cười nói: “Dế đây rồi”. Tay giơ lên một chú dế béo căng tròn, anh cười: “Con này còn nhỏ, con lớn có thể to gấp hai lần”.
Đi được vài bước chân, anh Sơn một tay lật hòn đá lên, tay kia nhanh như cắt úp ngay bàn tay xuống bắt lên một chú dế thứ hai lớn hơn nhưng anh vẫn tỏ ra không hài lòng. Anh nói: “Mùa này dế còn nhỏ, phải cuối tháng 8 trở đi khi đó con dế mới già và lớn hơn”. Việc quan sát tìm bắt dế cũng là một điều khá thú vị. Bằng mắt thường, anh Sơn có thể phát hiện được đám cỏ hay dưới hòn đá nào có dế nằm ẩn ngay dưới mà không để sót.
Chị Trần Thị Dương, thôn Pò Pục, xã Bằng Khánh, cùng “kíp săn dế” với anh Sơn chỉ cho chúng tôi cách phát hiện dế. Nơi có dế phải là đám cỏ mọc tốt nhất gần đó hay dưới những hòn đá có khe hở ở dưới, xung quanh hòn đá có nhiều mấu đất mới, tơi xốp như ở các tổ kiến. Còn nếu miệng hòn đá đã được nông ra là con dế đã rời hang. Khi đó, dưới những hòn đá này thường có con vật khác vào ký sinh như rắn, rết.
Khi lật hòn đá lên, mắt cũng phải nhanh mới bắt được dế. Thường thì dưới mỗi hòn đá có 2 đến 3 con dế, cũng có hòn đá không có con dế nào, thậm chí còn gặp cả rắn, rết. Sau khi tóm gọn được chú dế thì nhanh tay bỏ vào cái bao đậy nắp lại để chúng không thể trèo ra ngoài.
Chị Dương đi săn dế.
Có một quy ước đã đi vào tiềm thức của bà con dân bản là những con dế cái bụng căng trứng chuẩn bị sinh sản thì không bắt mà thả trở lại tự nhiên. Chị Dương nói: “Chúng tôi tự bảo nhau không bắt những con dế mẹ (cánh nhẵn thẳng) bụng to đang chuẩn bị đẻ trứng, mà để chúng đẻ con để sau này còn có dế mà bắt ”.
Sau những cơn mưa, nước chảy ngập hang, dế chui ra khỏi hang và leo lên trú trên những bãi cỏ rậm rạp. Lúc này, việc săn dế rất dễ dàng, chỉ dùng tay tóm lấy từng con một cho vào bao.
II.
Công việc săn dế kéo dài từ tờ mờ sáng cho đến xế chiều. Mọi người lại lục tục kéo nhau về để chuẩn bị dế sáng mai mang ra chợ TP Lạng Sơn bán kiếm tiền đong gạo.
Công việc săn dế vất vả nhưng giúp những người dân ở đây kiếm thêm thu nhập mỗi khi nông nhàn. 9 tháng trong mùa săn dế là thời gian mà cuộc sống của gia đình anh Sơn với 5 miệng ăn không phải sợ thiếu lương thực dù lúa có mất mùa. Trên đường đi săn dế, người dân ở đây còn tranh thủ tìm kiếm thêm măng rừng, nấm...
Thường thì bắt dế đến 4 - 5 giờ chiều. Nhưng hôm nào dế ít, họ bắt cho đến tối mịt mới về nhà. Tranh thủ tắm rửa, ăn cơm xong họ lấy dế bắt được trong bao ra chia làm các túi ni lông nhỏ, rồi sáng mai đem ra chợ bán. Mỗi túi dế có 10 con bán cho những người mua về nuôi chim với giá 5.000 – 7.000 đồng.
Một ngày bắt dế nhiều nhất anh Sơn có thể kiếm được hơn 300.000 đồng. Cũng có hôm dế ít, bán chỉ được khoảng 100.000 đồng.
Thành quả thu được sau một buổi săn dế.
Công việc săn dế cũng lắm mối hiểm nguy rình rập. Nguy hiểm nhất vẫn là bị rắn, rết cắn. Anh Sơn cho biết, có những hòn đá khi thọc tay vào lật lên không có dế mà thay vào đó là rết, có khi là rắn vào trú ẩn. Những người đi săn dế nhiều khi bị rết cắn.
Chị Dương chỉ cho chúng tôi một hòn đá trước mặt, nói: “Hòn đá này không nên thò tay vào vì có thể có con rết trong đó. Thường dưới những hòn đá có lối đi trơn bóng như thế rất dễ có rết. Ai mà không có kinh nghiệm thọc tay vào dưới hòn đá này là bị con rết cắn đau nhức lắm”.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là bị rắn cắn. Gần 3 năm đi săn dế, anh Sơn đã từng chứng kiến rất nhiều người không may thọc tay vào dưới những hòn đá có hang rắn và bị rắn cắn. May mắn thì chỉ thương tật nhẹ, nặng hơn một chút thì bị dị tật ở phần tay, tệ hơn là tử vong.
Anh Sơn nhớ lại, cách đây chừng 2 năm, ở trong thôn có một người thanh niên trẻ tuổi bị rắn cắn, may mà có người đi cùng mới sơ cứu cho, nếu không hậu quả thật khó lường. Thường thì những người đi săn dế đi theo tốp, họ mang theo cả những bài thuốc gia truyền để sơ cấp cứu khi bị rắn, rết cắn.
Ngoài ra, đi săn dế vẫn có thể bị té xuống vực nguy hiểm. “Nguy hiểm thế sao cứ bám nghề này?” – Chúng tôi hỏi. Anh Sơn trầm ngâm: “Mình cũng biết chứ. Nhưng nhà thì ít ruộng, những lúc nông nhàn này biết làm gì để có cái ăn, cái mặc và tiền đi học cho con mình. Với lại tôi gắn bó với cái nghề này lâu rồi nên thành ra quen khó bỏ”.
Từ trên cao nhìn xuống, đường lên khu du lịch Mẫu Sơn như một sợi chỉ trắng vắt ngang qua núi, thi thoảng từng tốp ô tô, xe máy của những người dân tộc Dao hay khách du lịch ngược xuôi lên xuống. Trên sườn núi, những người săn dế vẫn miệt mài lật những hòn đá lên bắt dế.
Đang mải mê ngắm cảnh, bỗng một hòn đá to bằng chiếc mũ cối tôi đội trên đầu lao vụt qua trước mặt rơi thẳng xuống đường kêu rầm một cái, anh Sơn mặt tái nhợt chạy lại nhìn xuống đường thở phào rồi thốt lên: “May quá không có xe đi qua đường, nếu không mình có bắt dế cả đời cũng không đủ đền cho người ta”.
Thì ra trong lúc sơ ý anh Sơn đã để hòn đá lăn xuống đường, nhưng rất may trời đã gần tối nên ít người qua lại. Chúng tôi ra về khi mặt trời đã khuất sau ngọn núi, để lại sau lưng bầu trời Mẫu Sơn se se lạnh. Đâu đó trên những sườn đồi vẫn còn thấp thoáng những dáng người lom khom săn dế mưu sinh.
|
Hoàng Văn Hương (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.