Không hoảng hốt trước biến đổi khí hậu ĐBSCL: Nguy cơ thành cơ hội

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 28/09/2017 06:00 AM (GMT+7)
“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất nhằm đồng thời cùng vượt qua thách thức, mang lại những điều tốt hơn cho cuộc sống của gần 20 triệu người dân” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra tại TP.Cần Thơ ngày hôm qua (27.9).
Bình luận 0

Không tổ chức tốt, phải trả giá đắt với thiên nhiên

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau chuyến  đi khảo sát dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang vào ngày 26.9, Thủ tướng đã thấy được thành công quan trọng của các giải pháp công trình, phi công trình trong thích ứng với BĐKH.

“Tuy nhiên, đối với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún…đang diễn ra, nếu không biết tổ

Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:

Các chính sách đưa ra cần thận trọng

Thời gian qua, người dân ĐBSCL rất mong Nhà nước tạo điều kiện cho họ sản xuất. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra vẫn còn bất cập do thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Trong thời gian tới, các chính sách mà các cấp đưa ra cần thận trọng với những giải pháp can thiệp vào hệ sinh thái vốn có của vùng.

chức tốt công việc thì chúng ta phải trả giá đắt với thiên nhiên. Ở đây, chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt hơn, khoa học và phù hợp nhất; trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Về những diễn biến phức tạp của BĐKH trong thời gian qua, Thủ tướng nói: “Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà chỉ là thách thức”. Đồng thời, khẳng định Chính phủ cam kết có quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hóa thành các hành động, thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam gợi ý: “ĐBSCL thích ứng với BĐKH cần phải có sự phối hợp liên ngành, đa ngành, có sự thống nhất trong nhận thức, hành động, hợp tác chặt chẽ giữa T.Ư với địa phương để có những phản ứng linh hoạt. Các địa phương phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chuyển đổi mô hình sản xuất, lấy tầm nhìn toàn khu vực cho các lựa chọn đầu tư”.

Còn ông Christian Berger - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cam kết: “Chính phủ Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết những thách thức của BĐKH”. Ngoài ra, ông Christian Berger cũng bày tỏ đồng tình với việc cần thành lập Hội đồng phát triển vùng để điều phối chung, đẩy mạnh chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo giá trị cao hơn…

img

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL ngày càng trầm trọng.

Biến nguy cơ thành cơ hội

Tại hội nghị, một số bộ trưởng đã lần lượt báo cáo về kết quả thảo luận tại hội nghị chuyên đề diễn ra ngày (26.9). Đa phần các báo cáo đều cho rằng, BĐKH không phải là nguy cơ mà chỉ là thách thức và phải tìm cách thích ứng, biến nó trở thành cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay: “BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. Vì vậy, đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trong giai đoạn tới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó BĐKH cả về công trình và phi công trình; rà soát lại các nguồn vốn trung hạn để ưu tiên đầu tư trước cho các dự án trong danh mục không hối tiếc”.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thì nhấn mạnh: “BĐKH là không thể tránh khỏi, cần có sự thống nhất của cả hệ thống chính trị phương châm là “chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng với BĐKH”. Từ đó, biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thành lợi thế; coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị Thủ tướng giao Bộ NNPTNT, Bộ KHCN và các địa phương trong vùng đưa ra được 3 nhóm giống (thủy sản, trái cây, lúa gạo) đáp ứng được sản xuất, cạnh tranh trong 5 năm tới; tháo gỡ “nút thắt” về đất đai, giữ nguyên diện tích rừng còn lại và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển rừng mới. Ngoài ra, tập trung xử lý 40 điểm sạt lở ở biển, sông.

Trong phần báo cáo của mình, Bộ trưởng Bộ NTMT Trần Hồng Hà cũng trình bày, giải pháp chiến lược trong thời gian tới trong việc chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL là phải chủ động sống chung hạn, mặn như từng sống chung với lũ; tạo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến, phân phối. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Văn Thể  - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng: Cần dự báo của cơ quan chuyên môn về BĐKH.  "Hiện nay, bờ biển ĐBSCL bị lở rất nhiều, kéo dài từ Sóc Trăng đến Cà Mau, nếu không có giải pháp tốt sẽ tiếp tục mất đất. Nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất thì ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm. Do đó, ĐBSCL rất cần có đầu tư vốn để có công trình chống sạt lở quy mô, đầu tư công trình cung cấp nước cho toàn vùng. Vấn đề này, mỗi địa phương không thể có khả năng thực hiện được vì cần nguồn vốn lớn. Ngoài ra, các tỉnh, nhân dân ĐBSCL rất cần dự báo của cơ quan chuyên môn về BĐKH để có sự chuẩn bị kịp thời khi có những tác động tiêu cực xảy ra”- ông Thể nói.

Thủ tướng: Giữ được đất, được nước, được người mới gọi là thành công

Phát biểu kết luận Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải giữ được đất, giữ được nước và đặc biệt là giữ được người thì mới gọi là thành công trong việc chống chọi, thích ứng với thiên nhiên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau 20 giờ làm việc với gần 1.000 người tham dự, hàng trăm lãnh đạo Trung ương, địa phương, nhà khoa học, các đại biểu quốc tế, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc, nhất là những kinh nghiệm của thế giới về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chính phủ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị và tiếp tục kêu gọi các sáng kiến cùng chung tay phát triển bền vững khu vực ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tất cả các bài phát biểu tại hội nghị sẽ được đưa vào kỷ yếu để làm tài liệu nghiên cứu"- Thủ tướng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem