Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 8.8. Ảnh: VGP
Tại Hội nghị “định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra tại TPHCM sáng 8.8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu và các sản phẩm sơ chế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.
Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ, ưu tiên các doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
“Làm thế nào để giữ vững các thị trường truyền thống; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2025. Năm 2018, đạt tối thiểu 9 tỷ USD; chiếm khoảng 6,7% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới?”, Phó Thủ tướng nêu.
|
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng của ngành, cần đề xuất các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến gỗ, lâm sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; các giải pháp tăng cường liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản; liên kết giữa doanh nghiệp với người dân. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến gỗ - lâm sản.
“Đặc biệt, cần đánh giá cụ thể về tình hình, khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đề xuất các giải pháp để bảo đảm đủ nguồn cung nguyên liệu, trong đó hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững trong nước, chỉ nhập khẩu những nguyên liệu Việt Nam không thể sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT công ty Scansia Pacific, cho biết từ năm 2017, Việt Nam sẽ phải đảm bảo toàn bộ sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã thống nhất với EU, bao gồm sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là các sản phẩm gỗ hợp pháp.
Tỷ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước, tính theo khối lượng, từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017. Ảnh: TTXVN
Nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ đã kích thích trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất. Từ chương trình trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng từ 39,7% năm 2011 đã tăng lên 41,45% năm 2017. Tỷ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước, tính theo khối lượng, từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017 và kỳ vọng 55% vào năm 2020. Tỷ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vì thế đã giảm đi tương ứng. Nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, DN trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì chúng ta có nguồn nguyên liệu rẻ và ổn định so với nhập khẩu.
Theo ông Chiến, ngoài vai trò của nhà nước trong việc chủ trương phát triển rừng trồng, sự đóng góp nhiệt tình của khối doanh nghiệp và hưởng ứng của lâm dân là rất quan trọng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, những năm gần đây nguồn nguyên liệu gỗ cung ứng cho chế biến sản phẩm gỗ, đặc biệt là chế biến các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ cao su, gỗ vườn nhà,… đã góp phần quan trọng để hạn chế phá rừng tự nhiên, tăng diện tích rừng trồng, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, chủ trương chuyển đổi rừng kinh doanh gỗ nhỏ bằng rừng trồng gỗ lớn đã được ban hành và là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất hạn chế.
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, tại nhiều tỉnh ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung và Đông Nam Bộ, diện tích rừng trồng nhỏ so với diện tích đất tự nhiên. Nhiều DN chế biến gỗ mong muốn đầu tư trồng rừng để ổn định nguồn nguyên liệu nhưng không có đất phù hợp.
Ông Quyền đề xuất, hiện nay chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng. Thực tế đã có nhiều mô hình liên kết như vậy đã và đang vận hành có hiệu quả.
“Bộ NNPTNT cần sớm cung cấp những thông tin, dữ liệu về trồng rừng và sản lượng gỗ các loại do dự án Formis nghiên cứu những năm qua đã cho những kết quả rất tích cực. Các doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ tìm được những thông tin về nguyên liệu gỗ từ dự án này, sẽ giảm được chi phí về thời gian để khảo sát tìm nguồn nguyên liệu. Đồng thời, tiến hành xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam...”, ông Nguyễn Tôn Quyền đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.