Không mở rộng diện tích trồng sắn

Thứ bảy, ngày 16/04/2011 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ nên duy trì diện tích trồng sắn trong cả nước là 400-450 nghìn ha. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị phát triển sản xuất sắn bền vững do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 15.4 tại Phú Thọ.
Bình luận 0

Năm 2009, cây sắn lần đầu tiên được đưa vào danh mục sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị xuất khẩu xấp xỉ 1 tỷ USD/năm. Từ chỗ chỉ là cây xen canh gối vụ, cây xóa đói giảm nghèo, sắn ngày càng có vị thế quan trọng trong sản xuất chế biến và xuất khẩu.

Khuyến khích tăng năng suất

img

Sắn đang được giá, nhưng phát triển không theo quy hoạch sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Sau lúa và ngô, cây sắn là cây lương thực đứng thứ 3 ở VN. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, sắn được trồng từ Bắc chí Nam, có mặt trên cả 6 vùng sinh thái trong cả nước, tập trung nhiều nhất là vùng Bắc Trung Bộ - duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Diện tích sắn toàn quốc giảm từ năm 1995 đến năm 1999 và bắt đầu tăng trở lại vào những năm 2000 cho đến nay với tốc độ tăng khá cao. Năm 2010, diện tích trồng sắn nhiều nhất tập trung ở 7 tỉnh: Gia Lai (52.900ha), Tây Ninh (40.100ha), Kon Tum (37.700ha), Đăk Lăk (25.300ha), Bình Thuận (25.700ha), Bình Phước (20.400ha), Đăk Nông và Đồng Nai (14.800ha).

Về sản lượng sắn, dẫn đầu là Tây Ninh với hơn 1,1 triệu tấn, tiếp đó là Gia Lai (827.500 tấn)...

Theo số liệu thống kê 2010, tổng diện tích sắn cả nước là 496.200ha, giảm 12.600ha so với năm 2009, sản lượng đạt hơn 8,5 triệu tấn, giảm hơn 35.000 tấn.

Rà soát lại các vùng trồng sắn

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch các vùng sản xuất sắn toàn quốc, không mở rộng diện tích thêm mà duy trì diện tích sắn của cả nước khoảng 400 - 450 nghìn ha, chủ yếu tăng năng suất, phấn đấu sản lượng ổn định 10 triệu tấn/năm.

Ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, từ khi sắn trở thành nguyên liệu sản xuất ethanol đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cây sắn.

Dự báo tình hình tiêu thụ sắn trong thời gian tới vẫn tiếp tục khả quan. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu cho chăn nuôi giảm nhưng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học tăng mạnh. Trung Quốc đã xây dựng nhiều nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học khoảng 7 triệu tấn nguyên liệu/năm. Dự kiến mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn sắn từ các nước Việt Nam, Lào, Philippines...

Thực tế mấy năm gần đây, diện tích sắn phát triển không theo quy hoạch, không gắn với kế hoạch phát triển các nhà máy chế biến dẫn đến tình trạng làm phá vỡ quy hoạch chung cả nước và quy hoạch của từng địa phương.

Để giải quyết tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch các vùng sản xuất sắn toàn quốc, không mở rộng diện tích thêm mà duy trì diện tích sắn của cả nước khoảng 400 - 450 nghìn ha, chủ yếu tăng năng suất, phấn đấu sản lượng ổn định 10 triệu tấn/năm.

Căn cứ vào quy hoạch chung, các địa phương cần cụ thể hóa quy hoạch cho phù hợp và xây dựng vùng nguyên liệu sắn ổn định; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem