Không muốn chia khổ cho con

Thứ ba, ngày 25/06/2013 19:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với bằng kỹ sư cơ khí và 8ha ruộng, ông Huỳnh Kim Hải ở Tân Hồng, Đồng Tháp có thể coi là một nông dân “cổ cồn trắng”.
Bình luận 0

Một ngày cuối tháng 6, tâm sự với nhà báo, ông bảo: “Là nông dân, tôi thấm thía mình thuộc tầng lớp “thấp cổ bé họng”, thiệt thòi nhất trong xã hội”.

“Chia đất cho con là chia cái khổ cho con, nên tôi cho con ăn học để tìm một nghề nào đó, quyết không để con làm ruộng” - ông Hải nói.

Bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, nhưng cả 2 vụ lúa năm 2013, gia đình 6 người của ông Hải chỉ lời 52,8 triệu đồng. Tính ra 1 tháng mỗi người thu nhập chỉ có 733.000 đồng, nhỉnh hơn tiêu chuẩn cận nghèo tí chút, và kèm thêm một khoản nợ (vay ngân hàng) mỗi năm một tăng và ngày càng chồng chất.

Tờ Đại Đoàn Kết dẫn số liệu từ VFA dùng từ “báo động cho chu kỳ khủng hoảng của ngành nông nghiệp”. Giá gạo giảm bình quân hơn 22 USD/tấn. Giá cao su giảm liên tiếp trong 2 tháng qua. Báo Hà Nội Mới chỉ ra mâu thuẫn: Giá xuất chuồng gà, lợn, trứng… đều giảm mạnh, với mức lỗ 500.000 đồng cho mỗi tạ lợn hơi, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao 6-7 lần chỉ trong 6 tháng, và ngoài chợ thì người tiêu dùng phải mua giá cao. Tiền Phong cũng cho biết: Cá tầm nhập lậu vào Việt Nam với giá rẻ bằng một nửa trong nước, được ném xuống ao ta rồi một thời gian vớt lên bán với cái danh cá tầm ta, bán bằng giá cá tầm ta. Khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc cao cấp 16 lần quy định, được rửa và nhuộm cho giống khoai tây Đà Lạt...

Tất cả những bản tin đó, không hề tình cờ, xuất hiện trong cùng một ngày, để chỉ những câu chuyện có tính thời sự từ… nhiều năm nay.

Nếu người chăn nuôi lỗ nặng, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao, thì đương nhiên lãi thuộc về các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang thống lĩnh ngành thức ăn chăn nuôi, lãi thuộc về đội ngũ “thương lái” không hề chân lấm tay bùn. Nếu con cá, củ khoai, con gà “tủ thuốc” cứ vượt biên, đi lại công khai trên các công lộ, trên máy bay của hãng hàng không quốc gia thì không thể nói nó là cái kim hay vô hình không thể phát hiện ra, lại càng không thể không không dùng từ “bất lực” để nói về việc quản lý, kiểm soát. Nông dân ngày càng khổ, ngày càng nghèo, ngày càng chán nản trong khi lương của những “người bán lúa” ở VFA vẫn cao ngất. Có lẽ, không cần phải đọc thêm, chúng ta cũng hiểu vì sao người nông dân cổ cồn trắng Huỳnh Kim Hải không muốn chia cái khổ cho con.

Có lẽ, ngoài địa vị “thấp cổ bé họng”, người nông dân còn là đối tượng dễ bị tổn thương trước bất cứ sự thiếu trách nhiệm nào.

Chưa nói tới thiên tai. Một nửa miền Bắc, một nửa miền Trung vừa bị tàn phá. Mà cũng mới chỉ là cơn bão số 2. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem