Không nên đầu tư dè sẻn cho tam nông

Thứ hai, ngày 05/12/2011 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị một số vấn đề liên quan đến nội dung trên.
Bình luận 0

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng” và Chính phủ sẽ có những giải pháp đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực này.

Không chỉ là đảm bảo an ninh lương thực

Thưa ông, trước đây chúng ta thường hay chỉ nhắc đến khái niệm nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng. Vậy, ông bình luận thế nào về thông điệp của Thủ tướng khi cho rằng, nông nghiệp, nông thôn giờ đây là một lĩnh vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng?

- Trải qua 30 năm đổi mới, đến bây giờ chúng ta đã có câu trả lời chính xác nhất về những đóng góp của nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng đã có những giai đoạn trong chủ trương và chính sách chúng ta lại quá tập trung đầu tư cho công nghiệp, dịch vụ như là một liệu pháp kích thích sự phát triển của nền kinh tế. Chúng ta vẫn thường nghĩ nông nghiệp là lĩnh vực phụ, không cần đầu tư nhiều vẫn có thể cung cấp đủ lương thực cho đất nước.

img
Sản xuất nhỏ lẻ đang cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp (ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, từ 2 đợt khủng hoảng, một là năm 1997 và lần 2 vào năm 2009, chúng ta mới đánh giá đúng về những đóng góp của ngành này, nhất là về kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế. Đặc biệt, thời khủng hoảng, nông thôn chính là nơi đón doanh nghiệp, người thất nghiệp ở thành phố chạy về, rồi giải quyết việc làm cho họ. Rõ ràng là nông nghiệp không những có thể làm giàu, mà còn là lĩnh vực đảm bảo ổn định xã hội.

Một điểm nữa cần nói thêm, Việt Nam ta là nước có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là mục tiêu cho nhiều thế lực thù địch phá hoại. Vấn đề bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ ở biên giới, vùng biển mà ổn định vùng nông thôn phải đặt ra một cách thực sự nghiêm túc. Ông cha ta nói rồi, phi nông thì bất ổn, khu vực này mà ổn định thì đất nước ổn định.

Vậy thì việc ổn định dân cư vùng nông thôn là tối quan trọng. Nếu làm tốt, một mặt chúng ta sẽ hạn chế tình trạng bỏ nông thôn ra phố, mặt khác cũng chính là ổn định tư tưởng của người dân nông thôn để đảm bảo an ninh quốc phòng vững chắc. Tôi nghĩ, từ những quan điểm như vậy nên người đứng đầu Chính phủ đã truyền tải thông điệp rất có ý nghĩa trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay.

Cần đầu tư theo chiều sâu

Với cách đặt vấn đề như vậy của Thủ tướng, rõ ràng chúng ta phải có những ứng xử mới với ngành này?

- Đúng. Trước đây, chúng ta phát triển nông nghiệp chủ yếu theo nghĩa là lấy số đông người lao động để cùng sản xuất ra một lượng hàng hoá nhất định; sản xuất theo lối quảng canh, manh mún. Sản xuất kiểu đó quả thật rất lạc hậu nhưng bằng kinh nghiệm, chúng ta vẫn tạo ra nhiều kỳ tích làm thế giới bất ngờ. Như gạo, từ chỗ là đất nước thiếu ăn, chúng ta đã chiếm vị trí số 2 về xuất khẩu của thế giới. Rồi con cá tra, basa; cà phê; điều... chúng ta cũng đã vươn được lên vị trí thứ nhất...

Nền nông nghiệp hiện nay đã được thừa hưởng một nền tảng vững chắc như vậy thì bây giờ nếu có quan điểm, ứng xử mới chắc chắn ngành này sẽ tiến lên, không chừng còn làm bệ đỡ cho cả nền kinh tế. Cách ứng xử thì theo tôi là đánh giá đúng sự đóng góp của nông nghiệp, rồi nông nghiệp đóng góp cho đất nước bao nhiêu thì phải đầu tư lại cho nó bấy nhiêu. Chúng ta không thể đầu tư dè sẻn cho nông nghiệp, nông thôn như hiện nay.

Thưa ông, về đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định sẽ tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần năm trước? Như vậy, chúng ta có thể an tâm về nguồn lực tài chính cho khu vực này?

- Quan điểm như thế là rất đúng. Nhưng mà tôi nghĩ kể cả có đầu tư về vốn, chúng ta cũng cần phải thay đổi về quan điểm. Từ trước đến nay, chúng ta nói đến vốn cho nông nghiệp là nghĩ ngay đến vốn để đầu tư hệ thống thuỷ lợi, kênh mương, giống má. Nhưng việc này mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Vấn đề cốt lõi nhất là chúng ta phải tăng đầu tư cho giáo dục, cho dạy nghề, tạo thêm nguồn chất xám phục vụ cho phát triển nông nghiệp.

Trước đây, chúng ta sản xuất thô, quảng canh, nay phải đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, hội nhập. Chúng ta phải đầu tư để làm sao những người nông dân biết nuôi cá, trồng lúa, rau theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP, tóm lại là biết làm sản phẩm cao cấp. Một nền nông nghiệp có hạ tầng tốt nhưng trình độ khoa học công nghệ, tay nghề kém thì đó vẫn là nền nông nghiệp kém phát triển.

Đừng xé lẻ nền nông nghiệp

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một loạt các giải pháp, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như giải pháp. Nếu được chọn, ông sẽ chọn giải pháp nào để đột phá?

- Tôi nghĩ phải đột phá từ việc quản lý ở cấp vĩ mô. Chính phủ phải giao trách nhiệm rõ ràng cho Bộ trưởng Bộ NNPTNN. Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm từ A đến Z, không thể chịu trách nhiệm chung chung như hiện nay.

Tôi lấy ví dụ như trong lĩnh vực giao thông, chúng ta cũng khẳng định giao cho Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng toàn quyền quyết định những lĩnh vực trong ngành mình phụ trách, nhưng thực tế có được như thế đâu. Ùn tắc giao thông đúng là trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT, nhưng quy hoạch đường sá ở địa phương thì UBND các địa phương, thành phố đó quyết định.

Hoặc khi xây dựng nhà cao tầng, chung cư thì phần quy hoạch về đường sá địa phương thích thế nào là làm thế ấy. Gặp phải “ông” địa phương có tư duy nhiệm kỳ, không am hiểu về giao thông thì Bộ trưởng GTVT có 3 đầu 6 tay cũng không giải quyết được ùn tắc.

Tương tự như vậy, trong kế hoạch giữ 3,8 triệu ha đất lúa, chúng ta cũng để lãnh đạo tỉnh, huyện có quyền chuyển đổi mục địch sử dụng đất lúa thì làm sao Bộ trưởng NNPTNT dám khẳng định giữ được từng ấy diện tích theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra? Chúng ta giao 3 bộ quản lý một bữa ăn nghe có vẻ chặt chẽ, nhưng thực chất rất lỏng lẻo, rất đau xót cho những bất cập trong quản lý nhà nước.

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư phát triển 3 năm (2013 - 2015), nếu kế hoạch này được thông qua thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 - 2013), tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng, gấp 2,76 lần so với 5 năm (2004 - 2008), vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra.

Thực tế là khi 3 bộ quản lý một bữa ăn, thời gian qua, chúng ta đã thấy các bộ trưởng đã vướng chân nhau, đổ thừa như thế nào rồi. Và quan trọng nhất là họ không thể phát huy được quyền của mình. Vậy thì phải giải quyết bất cập này. Bộ trưởng NNPTNT khi đã quy hoạch việc trồng cây gì, nuôi con gì thì các địa phương cứ thế tuân thủ, thực hiện; địa phương nào vi phạm, Bộ trưởng có quyền bắt phạt, khiển trách, Thủ tướng cũng phải tôn trọng.

Chúng ta giao quyền thì kèm theo đó là giao trách nhiệm. Bộ trưởng NNPTNT yêu cầu địa phương trồng cây, con gì thì Bộ trưởng đó phải lo đầu ra chứ không thể đổ cho Bộ Công Thương, lãnh đạo địa phương lo đầu ra; rồi khi chất lượng sản phẩm yếu kém cũng không thể đổ cho Bộ Y tế.

Thưa ông, việc Bộ quy hoạch một đường, tỉnh làm một nẻo là tình trạng xảy ra thường xuyên trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời ông làm Chủ tịch tỉnh, nhiều khi ông cũng “xé rào” và đâu có làm theo quy hoạch chung?

- Có người hỏi tôi, chúng ta có lợi thế về phát triển nông nghiệp sao không đẩy mạnh nền nông nghiệp công nghệ cao? Đúng. Nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu của các nước, Việt Nam trước sau cũng phải thực hiện theo lộ trình đó. Nhưng vào thời điểm này khoan hãy nghĩ đến vấn đề đó, mà hãy làm tốt, giải quyết tốt những vấn đề đang tồn tại của nền nông nghiệp, đó là những tồn tại về đất đai, sản phẩm chất lượng kém...

Tình trạng manh mún, nhỏ lẻ này chính là gốc rễ của việc cát cứ theo địa phương. Nếu đất đã manh mún, nhỏ lẻ mà anh không xé rào, không có những sáng kiến thì làm sao mà phát triển được. Nhưng, đó là câu chuỵện của nhiều năm trước, còn giờ nếu địa phương nào cũng được lấy đất để làm cảng, làm hàng không, mỗi tỉnh trồng một cây, nuôi một con thì làm sao phát triển nông nghiệp hàng hoá được. Đừng xé lẻ nền nông nghiệp của chúng ta như thế.

Thời của tôi, nói thật là tôi đã lách luật, có người nói tôi chơi nổi nên cũng có một số thành tựu nhất định về nông nghiệp. Tuy nhiên, bây giờ đất nước đang hội nhập, chúng ta không thể đánh lẻ được, mọi sản phẩm hàng hoá đều phải tuân thủ theo một quy chuẩn chung. Nếu mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh một kiểu, nền nông nghiệp này sẽ rất khó phát triển lên.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem