Không nên khuyến khích hành vi phạm luật

Thứ tư, ngày 26/03/2014 11:25 AM (GMT+7)
Với việc Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đề xuất sẽ chi trả viện phí cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông dù vi phạm luật (xem NTNN số 72/2014), bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình thì không ít người cho rằng làm vậy sẽ gây mất công bằng xã hội.
Bình luận 0
Người dân phải có trách nhiệm xác minh

Không phải vì không thể xác minh được người vi phạm an toàn giao thông mà lại xây dựng luật theo kiểu “cào bằng, san phẳng” quyền lợi của người chấp hành đúng luật và sai luật như vậy. Theo tôi, nên quy trách nhiệm xác minh mình không vi phạm pháp luật cho bệnh nhân và người nhà của họ. Giống như các loại bảo hiểm, trước khi được hưởng quyền lợi, người mua bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ bằng chứng mình không vi phạm hợp đồng bảo hiểm, không phạm pháp trục lợi bảo hiểm.
Ông Vũ Bá Cương - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định

Bác sĩ yên tâm chữa bệnh

Cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Bệnh nhân ở tuyến trên thường là các bệnh nhân nặng. Mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hàng chục ca bị TNGT, cũng có nhiều người vi phạm luật. Tùy loại tổn thương mà chi phí tốn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nếu dự thảo luật được thông qua, BHYT không phân biệt người vi phạm luật pháp hay không, người bệnh sẽ yên tâm chữa bệnh. Các bác sĩ cũng nhờ thế mà được “rộng chân rộng tay”, cố gắng cứu chữa bệnh nhân hơn...
Bác sĩ Dương Trọng Hiền Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội

Mỗi năm BHYT chi trả 200-300 tỷ đồng cho TNGT

Nếu BHYT thanh toán cho cả những người vi phạm pháp luật thì đúng là thiếu công bằng xã hội. Tuy nhiên, những người vi phạm pháp luật thì đã có các hình thức xử phạt hành chính khác. Cần phải tách bạch giữa khám chữa bệnh với việc vi phạm pháp luật. Thực tế hiện nay, mỗi năm BHYT chi trả khoảng 200-300 tỷ đồng điều trị do TNGT mà hầu như ít khi điều tra được ai vi phạm luật và đòi hoàn tiền. Do đó, nếu Dự thảo Luật BHYT được thông qua thì Quỹ BHYT không vì thế mà bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT(BHXH Việt Nam)

Đừng biến Quỹ BHYT thành quỹ “cứu trợ xã hội”

Quỹ BHYT là quỹ khám chữa bệnh. Nếu chấp nhận thanh toán BHYT cho cả người vi phạm tai nạn giao thông, người tự tử, tự ý gây thương tích để đảm bảo tính nhân văn thì sẽ biến Quỹ BHYT thành quỹ cứu trợ xã hội. Chúng ta không thể chạy theo dư luận cho rằng việc điều tra các vụ TNGT khó khăn, khó thu tiền mà lại “vơ cả vào một rọ” như vậy. Chẳng khác nào khuyến khích người dân làm sai luật rồi lại dồn hết một mớ bòng bong cho BHYT. Muốn nhân văn thì nên thực hiện bằng các chế độ khác.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Giám đốc BHXHtỉnh Cao Bằng

Quy định nhân văn, nên áp dụng

Tôi cho rằng quan điểm chi trả cả bảo hiểm cho người tự tử hay tự gây thương tích (chẳng hạn bị TNGT do vi phạm luật) là vấn đề rất nhân văn. Thông thường chẳng ai tự nhiên lại phải tự tử, hoặc tự ý gây thương tích cho mình, chỉ có những trường hợp chẳng may cuộc sống của họ rơi vào hoàn cảnh bế tắc, không tìm được cách lối thoát mới dẫn tới có hành vi tiêu cực. Theo tôi, bản chất bảo hiểm là để dành cho những việc rủi ro nên việc mở rộng theo hướng có lợi cho người dân thì nên áp dụng.
LS Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Diệu Linh - Lương Kết (ghi) (Diệu Linh - Lương Kết (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem