Chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh anh nằm bất động trên
giường bệnh, sự sống của anh phải nhờ vào bình oxy và chỉ tính bằng
ngày.
Chuyện tình anh kép cải lương và cô thợ làm tóc
Anh chị quen nhau vì 2 người cùng quê (An Giang), ngày đó anh là một
nghệ sĩ cải lương còn chị chỉ là một cô thợ làm tóc. “Tôi cũng không
phải là người yêu nghệ thuật đặc biệt là những người nghệ sĩ nhưng không
hiểu sao tôi lại cảm mến anh. Đó có lẽ là duyên phận đã cho tôi và anh
ấy gặp nhau rồi yêu nhau”, chị chia sẻ.
![NS Vũ Minh Vương (trái) trong vở Tiếng sáo đêm trăng NS Vũ Minh Vương (trái) trong vở Tiếng sáo đêm trăng](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2013/images/2013-07-16/1434773431-vuminhvuongtiengsao1.jpg)
NS Vũ Minh Vương (trái) trong vở Tiếng sáo đêm trăng
Trước khi gặp chị, anh đã có một
đời vợ và anh còn lớn tuổi hơn chị rất nhiều nhưng điều đó không ngăn
anh chị đến với nhau. Biết chị quen anh, gia đình chị thì phản đối còn
bạn bè thì bàn ra bởi lẽ đơn giản là nghệ sĩ bay bướm, trăng hoa lắm dễ
gì tìm thấy hạnh phúc. Thế nhưng chị đã bỏ ngoài tai tất cả để đến với
anh.
Cuối cùng chị đã thuyết phục được gia đình đồng ý với một đám cưới
nhỏ ấm cúng. Sau khi kết hôn, chị bỏ nghề làm tóc ở quê theo anh lên
thành phố, những khi anh đi biểu diễn thì chị lo cơm nước, chăm sóc cho
anh. Gần 20 năm chung sống chưa khi nào chị cảm thấy quyết định lấy anh
là sai lầm, là hối hận và nếu được chọn lại từ đầu chị vẫn chọn anh mặc
dù cho tới ngày hôm này đây là lần thứ 3 chị chăm sóc anh tại bệnh viện
mà lần nào tình trạng cũng rất nguy kịch.
Gần 20 năm chung sống có khi nào chị phải ghen? Chị nói: “Có chứ, lúc
đầu tôi ghen lắm, thấy anh có nhiều cô gái tặng hoa và cả những dòng tin
nhắn mùi mẫn… tôi cũng buồn lắm nhưng rồi tôi hiểu đó là những người ái
mộ giọng ca của anh. Tôi nghĩ một khi đã chấp nhận làm vợ của nghệ sĩ
thì phải chấp nhận những điều như vậy, rồi tôi thấy hạnh phúc khi anh ấy
vẫn còn được nhiều người quan tâm, yêu mến”.
Bi ai một kiếp tằm
Nghệ sĩ thường được gắn với những thứ xa hoa lộng lẫy như: nhà lầu, biệt
thư, xe hơi, đồ hiệu… Nhưng với nghệ sĩ cải lương Vũ Minh Vương thì
gần 40 năm hoạt động nghệ thuật đến bây giờ anh vẫn chưa có một ngôi nhà
của riêng mình để che mưa che nắng. Hiện nay vợ chồng anh đang phải
thuê trọ tại đường Hoàng Dư Khương, quận 10. Và bây giờ anh đang nằm
trên giường bệnh.
![NS Vũ Minh Vương nằm bất động trên giường bệnh NS Vũ Minh Vương nằm bất động trên giường bệnh](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2013/images/2013-07-16/1434773431-vuminhvuongtiengsao2.jpg)
NS Vũ Minh Vương nằm bất động trên giường bệnh
Sau khi vào phòng hồi sức tích cực thăm nghệ sĩ cải lương Vũ Minh Vương,
chúng tôi theo chị Ngọc Oanh (vợ anh) ra hành lang bệnh viện trò
chuyện. Hành lang về trưa đông người nhưng không gian khá yên lặng, một
sự yên lặng đáng sợ. Mọi người đều có tâm trạng chung lo lắng cho người
thân, thấy họ đang chăm chú nghe một điều gì đó mà bản thân tôi cũng
không hiểu, chị giải thích: “Vì quá đông bệnh nhân nên khi cần bệnh viện
liên lạc với người nhà bằng cách gọi tên trên loa”. Tôi hiểu vì sao lâu
lâu chị đột nhiên dừng câu chuyện giữa chừng. Chị nói: “Mỗi lần nghe
tiếng loa vang lên là tim chị lại đập liên hồi dù đó không phải là tên
anh Vũ Minh Vương”.
Nhìn quanh, tôi thấy ai cũng có người thân bên cạnh, chỉ riêng chị là
chỉ có một mình, tôi tỏ vẻ ái ngại, chị tâm sự: “Gia đình bên ngoại (bên
chị) thì ở xa, họ lên thăm một vài hôm rồi cũng phải về dưới quê. Còn
bên chồng tôi thì có chị của chồng (chị anh Vương) nhưng chị cũng đã lớn
tuổi rồi nên đi lại cũng khó khăn. Tôi chẳng biết trông cậy hay dựa dẫm
vào ai, phải tự mình lo toan mọi việc thôi. Nhiều lúc buồn cho số phận
mình cô đơn, tôi cũng tủi thân lắm.
Nhiều đêm tôi không ngủ được một
phần lo cho anh một phần nghỉ tới phận mình, rồi nước mắt lại trào ra.
Những rồi tôi nghĩ tôi đang còn có anh Vương, ở bên kia cánh cửa anh ấy
đang rất cần tôi”. Lát sau chị tiếp: “Năm 2009, trong một đêm đi diễn
bằng xe máy về, anh bị tại nạn rồi bị chấn thương sọ não, anh ấy không
nhớ một ai, quên hết mọi thứ. Ngay cả lời bài hát đã theo anh mấy chục
năm qua, tôi nghĩ nó đã ngấm vào máu thịt anh, anh cũng quên. Có một
điều mà anh không quên khi thoát khỏi cửa tử thần – đó là tôi, không
thấy tôi là anh gọi Oanh, Oanh ngay! Tôi vô cùng hạnh phúc vì tình yêu
anh dành cho tôi nhiều như vậy, điều đó tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Từ
sau đợt tai nạn đó, anh chia tay với ánh đèn sân khấu vì phải nằm dưỡng
bệnh ở nhà”.
Buồn, cô đơn chị có thể vượt qua nhưng một mình chị túc trực bên anh
24/24 như vậy không biết thời gian đâu chị chăm sóc bản thân? Chị vừa
nói vừa chỉ tay về phía hành lang nơi những người cùng cảnh ngộ như chị
đang ngồi nằm la liệt ở đó: “Tôi ở đó cùng với họ, rồi ăn suất cơm từ
thiện, hằng ngày tôi tranh thủ tạt qua phòng trọ tắm giặt sơ sơ. Nhưng
mỗi lần đi là tôi lại lo sợ, không biết mình đi anh Vương có xảy ra
chuyện gì không? Vì thế mà tôi cho những người xung quanh số điện thoại
của tôi lỡ khi có việc gì họ gọi giúp”.
Từ khi lấy nhau cuộc sống của anh chị hầu như chỉ dựa vào khoản thu nhập
ít ỏi của anh. Là nghệ sĩ cải lương nên thu nhập cũng hạn chế, một năm
chỉ biết trông vào dịp tết và mùa Vu Lan thôi, chứ bây giờ cũng ít ai
xem cải lương. Thù lao của nghệ sĩ cải lương không là bao trong khi vật
giá ngày càng leo thang.
Hơn nữa, trải qua 2 cơn bạo bệnh, bao nhiều vốn
tích góp được cũng không cánh mà bay và đến lần thứ 3 này thì anh chị
thực sự gặp khó khăn, chị tâm sự trong dòng nước mắt: “Khoảng 1 giờ sáng
hôm 9/6 anh bị đau bụng dữ dội sau đó nôn ra máu, hoảng quá tôi nhờ
hàng xóm vội vàng đưa anh vào Viện 115 này. Thực sự lúc đó trong người
tôi không có một đồng, tôi đã phải vay mượn tiền của bà con hàng xóm để
đóng viện phí cho anh nhập viện”.
Chị cũng cho biết thêm: “Khi đưa vào
viện anh bị xuất huyết bao tử, khoảng 1 tuần sau đó thì bác sĩ cho biết
đã ổn nhưng lạ thay bụng anh vẫn phình to, thấy bất thường các bác sĩ
kiểm tra và phát hiện anh bị xơ gan giai đoạn cuối (cách đây 7 năm anh
bị viêm gan siêu vi B), không những thế anh còn bị bệnh tiểu đường, phổi
bị tắc nghẽn nên khó thở vì thế phải nhờ tới máy hỗ trợ.
Khi anh có
phần tỉnh táo và nhận biết được mọi người dù chưa nói được, bác sĩ cho
biết việc điều trị phải kéo dài và rất tốn kém, nếu gia đình có điều
kiện thì tiếp tục kéo dài sự sống cho anh bằng ống thở oxy, đồng thời
tiếp tục tiêm thuốc cho anh, còn nếu gia đình khó khăn quá thì buộc phải
ngừng việc cho anh thở bằng bình oxy, đồng nghĩa với việc anh phải vĩnh
biệt cuộc sống này. “Nhưng làm sao tôi có thể làm như vậy được vì tôi
còn yêu anh nhiều lắm”. Chị nói trong nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên
gương mặt đã nhiều ngày lo âu, mất ngủ.
Việc điều trị, chạy chữa bệnh tật rất tốn kém đặc biệt với những căn
bệnh nguy hiểm ở giai đoạn cuối như anh. Tôi được biết, việc điều trị
của anh mỗi ngày ở bệnh viện hết 5 - 6 triệu tiền thuốc, trong khi đó
chỉ có một mình chị, chị không biết xoay xở như thế nào nếu như không có
những tấm lòng vàng từ các cơ quan báo chí, anh chị em nghệ sĩ.
Qua quý
báo Dòng Đời chị cũng gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả mọi
người đã giúp đỡ anh chị cả về vật chất lẫn tinh thần. Và hy vọng trong
thời gian tới, mọi người sẽ đồng hành cùng với anh chị để chống chọi với
tử thần giành lại sự sống cho anh.
Nghệ sĩ Vũ Minh Vương từng là kép chánh của nhiều đoàn cải lương nổi tiếng những năm 1980 và đầu thập niên 1990. Tên tuổi anh lừng lẫy nhất khi về diễn trên sân khấu Đoàn Sống Chung, hát chính với NSND Lệ Thủy, Đoàn cải lương Trúc Giang, hát cặp với NSƯT Mỹ Châu. Đỉnh cao nghề nghiệp của Vũ Minh Vương là giai đoạn anh tham gia biểu diễn trên sân khấu các đoàn: Văn Công TP.HCM, Hương Mùa Thu, Thanh Nga… trong các vở: Hoa độc trong vườn, Tiếng sáo đêm trăng… Hơn 40 năm đứng trên sân khấu, nghệ sĩ Vũ Minh Vương được biết đến với sở trường là những vai kép mùi. Đặc biệt anh rất phù hợp đóng vai các nhân vật trong các tuồng cổ trang, dã sử như: Thạch Sanh (Thạch Sanh – Lý Thông); Lưu Bình (Lưu Bình – Dương Lễ), Đinh Bộ Lĩnh (Cờ lau khởi nghiệp)...
|
Quỳnh Thơm (Dòng Đời) (Quỳnh Thơm (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.