Chuyển đổi số ở xã NTM kiểu mẫu ở Hà Nội: Nông dân bán nông sản trên mạng kiếm chục tỷ đồng/năm

Hải Đăng Thứ bảy, ngày 15/07/2023 06:30 AM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh khẳng định: Hiện, trên địa bàn xã Song Phương có khoảng trên dưới 100 cá nhân, nông dân, doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử để phục vụ kinh doanh các mặt hàng từ nông sản tới tạp hóa... mang lại tổng doanh thu 30 tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Ông Ngô Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, đến nay xã đã có trên 90% các hộ dân có sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để làm dịch vụ công trực tuyến và giới thiệu, bán sản phẩm nông sản trên sàn, mạng xã hội. Thực hiện: HĐ

Chuyển đổi số ở xã nông thôn mới kiểu mẫu: Dịch vụ trực tuyến tiện lợi, nhanh gọn

Đến đầu thôn Tháp Thượng, chúng tôi gặp anh Ngô Thanh Xuân (53 tuổi) ở xóm Đình đang đẩy xe đưa con đi chơi. Khi được hỏi chuyện làm thủ tục hành chính qua mạng, anh Xuân cười bảo: "So với trước, giờ việc làm các thủ tục như khai sinh, khai tử, kết hôn, bán hàng... qua mạng rất thuận tiện và nhanh gọn hơn nhiều.

Vừa nói, anh Xuân vừa chỉ tay về phía tờ banner "Xã Song Phượng đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ công trực tuyến" được dán ngay ngắn, nổi bật trên tường một nhà dân ở đầu làng. "Banner này được dán khắp làng, các nhà văn hóa, các mọi thông tin, hướng dẫn trong banner cũng rất cụ thể, chữ to, màu nổi nên từ người trẻ đến các cụ già có điện thoại thông minh bắt wifi miễn phí đều dễ dàng quét mã thủ tục cần giải quyết là sẽ hiện ra đường link, điền các thông tin liên quan và hoàn thành sau khi bấm gửi đến cơ quan chức năng. 

Sau đó, hệ thống sẽ gửi thông tin chờ lấy kết quả cho người dân theo quy định", anh Xuân nói và cho biết thêm, nếu như trước kia có việc phải lên tận xã xếp hàng làm các thủ tục mất nhiều thời gian thì nay bà con chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR và xử lý thông tin, có thủ tục chỉ thao tác vài phút là xong.

Nông dân một xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Nội đua nhau đưa nông sản lên sàn kiếm trăm triệu/năm - Ảnh 2.

Anh Ngô Thanh Xuân (53 tuổi) ở xóm Đình, thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng quyết mã QR làm thủ tục hành chính ngay tại cửa nhà. Ảnh: HĐ

Trưởng thôn Tháp Thượng Bùi Văn Trường cho biết, thôn có 328 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu. Đến nay, toàn thôn có khoảng trên 90% hộ dân đã lắp đặt wifi và hệ thống internet, hơn 700 điện thoại thông minh sử dụng thường xuyên trong công việc hàng ngày và giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến. Trong đó, nhiều hộ đã sử dụng điện thoại để giới thiệu, quản bá hình ảnh làng quê, bán các sản phẩm nông sản trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử rất hiệu quả.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho hay: Từ ngày 5/10/2022, xã Song Phượng đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Thôn thông minh” đến đồng loạt 4/4 thôn trên địa bàn. Chỉ trong thời gian ngắn, 15 ngày (từ 5 - 19/10) xã Song Phượng đã triển khai xây dựng mô hình “Thôn thông minh” trên nền tảng là các “Tổ tự quản thông minh” và những “Công dân số” đến 4 thôn và 36 tổ tự quản trên địa bàn xã.

Theo đó, xã đã thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng xã; 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở 4 thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ trưởng tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số.

Nông dân một xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Nội đua nhau đưa nông sản lên sàn kiếm trăm triệu/năm - Ảnh 3.

Các banner, áp phích tuyên truyền về chuyển đổi số được xã Song Phượng dán, treo ở các điểm công cộng, nhà văn hóa giúp dân tiếp cận và dễ dụng thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến. Ảnh: HĐ

Đồng thời phổ cập kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...

Công tác tuyên truyền, quán triệt về xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, “Tổ tự quản thông minh” được triển khai sâu rộng, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. Từ đó nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã.

Bên cạnh đó, UBND xã Song Phượng còn hướng dẫn các thôn thành lập 4 nhóm Zalo của thôn do Trưởng thôn làm Trưởng nhóm; 36 nhóm Zalo Tổ tự quản do Tổ trưởng Tổ tự quản là trưởng nhóm, thành viên là đại diện của các hộ gia đình trong tổ tự quản, mỗi gia đình cử đại diện 1 người tham gia nhóm.

Theo ông Anh, từ khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin không chỉ dừng lại giữa cấp ủy, chính quyền và các thôn, mà mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước.

Nông dân một xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Nội đua nhau đưa nông sản lên sàn kiếm trăm triệu/năm - Ảnh 4.

Đường bích họa tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng. Ảnh: HĐ

Chuyển đổi số ở xã nông thôn mới kiểu mẫu: Nông dân có thu nhập cao nhờ bán nông sản trên sàn, mạng xã hội

UBND xã Song Phượng cũng đã thành lập nhóm Zalo “Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tư pháp - hộ tịch” có trách nhiệm tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết và có thể hẹn trước thời gian hoặc gửi trước thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để công chức xã hướng dẫn. Từ đó người dân không phải chờ đợi lâu, giảm thời gian đi lại khi không mang đầy đủ giấy tờ như trước…

Đặc biệt, UBND xã Song Phượng, Hội Nông dân, Hợp tác xã Nông nghiệp xã đã hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng khẳng định: Hiện, trên địa bàn xã Song Phương có khoảng trên dưới 100 cá nhân, nông dân, doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử để phục vụ kinh doanh các mặt hàng từ nông sản tới tạp hóa... mang lại tổng doanh thu 30 tỷ đồng mỗi năm.

Nông dân một xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Nội đua nhau đưa nông sản lên sàn kiếm trăm triệu/năm - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh cập nhật thông tin trên facepage "Nông sản sạch Song Phượng". Ảnh: HĐ

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tại các thôn có nhiều nông dân dùng mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, bán hàng có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm như thôn thống nhất: có 1 hộ trồng hoa các loại, thu nhập trung bình khoảng 700 triệu đồng/năm; Thôn Thuận Thượng: Có 1 hộ làm mọc nhĩ, có thu nhập trung bình 1,5 tỷ đồng/năm; 1 hộ trồng hoa đồng tiền, có thu nhập trung bình 1,1 tỷ đồng/năm; 

Thôn Tháp Thượng có 1 hộ trồng hoa ly, có thu nhập trung bình 3 tỷ đồng/năm; có 17 hộ sản xuất kẹo lạc, bánh kẹo truyền thống, có thu nhập trung bình 34 tỷ đồng/năm; 3 hộ làm đậu phụ, có thu nhập trung bình 900 triệu đồng/3 hộ/năm. Có 1 hộ chăn nuôi lợn nái ngoại tại khu vực Ba Đa với số lượng 300 con mỗi năm cho thu nhập trung bình khoảng 11,52 tỷ đồng...

Trong thời gian qua, Tổ Công nghệ số cộng đồng của xã đã hướng dẫn HTX NN xã thành lập trang facebook "Nông sản sạch Song Phượng" do Chủ tịch Hội nông dân và Giám đốc HTX làm người đại diện để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Kẹo lạc thôn Tháp Thượng, nấm các loại của HTX  DVTMNN Đạt Phong thôn Thống Nhất, bưởi diễn thôn Thuận Thượng và các sản phẩm khác từ nông nghiệp trên địa bàn xã với gần 100 thành viên là Hội viên nông dân trên địa bàn xã tham gia. Trong đó, có 1 hộ gia đình sản xuất kẹo lạc ở thôn Tháp Thượng đã được công nhận sản phẩm OCOP.

Là hộ đang trồng gần 1 mẫu hoa đồng tiền tại cánh đồng xã Song Phượng, anh Nguyễn Hữu Sỹ cho biết, nhờ lắp đặt hệ thống camera an ninh tại vườn, chúng tôi có thể quản lý, bảo vệ tài sản của mình rất thuận tiện và hiệu quả.

Nông dân một xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Nội đua nhau đưa nông sản lên sàn kiếm trăm triệu/năm - Ảnh 6.

Nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm qua mạng xã hội đã giúp gia đình anh Nguyễn Hữu Sỹ ở xã Song Phượng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: HĐ

Bên cạnh đó, vợ chồng anh Sỹ còn thường xuyên tương tác với các "đồng nghiệp" làm hoa trên các nhóm zalo, facebook để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh cho hoa. Đến vụ thu hoạch hoa đồng tiền, anh Sỹ lại chụp ảnh, quay clip sản phẩm của mình đưa lên mạng xã hội để bán sản phẩm cho khách hàng ở các tỉnh, thành trong cả nước.

"Điện thoại giờ cũng rẻ, chỉ cần vài triệu đồng là mua được một chiếc điện thoại thông minh có thể chụp ảnh, quay video đều rõ nét thuận tiện cho mọi công việc. Nhờ điện thoại chúng tôi có thể tiếp cận được các kỹ thuật làm hoa mới và bán hàng đi khắp các tỉnh, thành", anh Sỹ nói thêm.

Anh Sỹ cho biết thêm, so với các loại hoa khác, việc chăm sóc hoa đồng tiền cũng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhưng đổi lại việc thu hoạch hoa và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. "Nếu chăm sóc tốt, chúng tôi có thể thu hoa quanh năm. 

Trước lần thu hoa, chúng tôi đưa ảnh, clip sản phẩm lên mạng xã hội để các thương lái xem, thoải mái lựa chọn, khi khách đã chốt hàng, nhà vườn mới tiến hành cắt hoa. Ngày thường giá bán xô khoảng 500 đồng/bông nhưng vào ngày lễ, tết giá hoa có thể lên đến 10.000 đồng/bông.Tính ra mỗi năm, trừ mọi khoản chi phí đầu vào, vợ chồng tôi có lãi khoảng trên 100 triệu đồng", anh Sỹ tiết lộ.

Xã Song Phượng về đích xây dựng nông thôn mới từ năm 2013 và năm 2020 đạt nông thôn mới nâng cao. Đến tháng 6/2022 xã tiếp tục đón nhận danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới

thành phố Hà Nội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem