Bộ trưởng Bộ KH&CN: Không nơi nào thích hợp hơn Bình Dương để bàn về nông nghiệp công nghệ cao

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 20/05/2022 11:48 AM (GMT+7)
Nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương đang phát triển mạnh. Tỉnh Bình Dương hiện có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, nhiều nhất nước. Khó có nơi nào phù hợp hơn Bình Dương để bàn về nông nghiệp công nghệ cao.
Bình luận 0

PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ như thế tại Hội thảo khoa học: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương, tổ chức ngày 20/5.

Bước tiến nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương

Năm 1997, khi chia tách từ tinh Sông Bé, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương là 22,8%; đến năm 2001 giảm còn 16,7% và năm 2020 là 3,15%.

Tại báo cáo đề dẫn về thực trạng nông nghiệp công nghệ cao, PGS. TS. Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết, dù tỷ trọng giảm nhưng nông nghiệp Bình Dương vẫn được chú trọng phát triển.

Hội thảo khoa học: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương, tổ chức ngày 20/5. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội thảo khoa học: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương, tổ chức ngày 20/5. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một trong những giải pháp được Bình Dương lựa chọn và chú trọng là việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Bởi vì kiểu sản xuất truyền thống không còn đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương được thúc đẩy từ năm 2008, khi Luật Công nghệ cao 21/2008/QH12 được ban hành.

Khi đó, Bình Dương đã kêu gọi các chủ đầu tư tham gia thành lập các khu vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ và Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân có nhiều đóng góp vì sự nghiệp khoa học công nghệ ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ và Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân có nhiều đóng góp vì sự nghiệp khoa học công nghệ ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Về chính sách, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tư ở Bình Dương được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi, bằng 70% lãi suất cho vay tối thiếu của Quỹ đầu tư phát triển tinh Bình Dương.

Hạn mức vay ưu đãi từ 80- 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn và ổn định.

TS. Phương Lan nhận định, việc ban hành chính sách này của Bình Dương tạo điều kiện cho các chủ thể khởi nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng.

Mô hình trồng bưởi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Ảnh: Văn Dũng

Mô hình trồng bưởi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Ảnh: Văn Dũng

Về thị trường, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Bình Dương hướng đến không chỉ là thị trường nội địa mà còn là thị trường quốc tế.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27.755 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ; thặng dư thương mại đạt 6,2 tỷ USD. Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đến nay đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chìa khóa bứt phá nông nghiệp công nghệ cao

Theo Sở NNPTNT Bình Dương, cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi hộ gia đình, quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao; liên kết theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Quy mô giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng dần từ 219 tỷ đồng năm 1997, lên 24.189 tỷ đồng năm 2021; chiếm tỷ trọng 56,2% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại một trại chăn nuôi gà bằng trại lạnh ở Bình Dương. Ảnh: Văn Dũng

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại một trại chăn nuôi gà bằng trại lạnh ở Bình Dương. Ảnh: Văn Dũng

Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, số lượng đàn heo khoảng 550.000 con và 152 trang trại; số lượng đàn bò sữa khoảng 800.000 con và 2 trang trại. đàn gà khoảng 9,73 triệu con và 133 trang trại; số lượng đàn vịt khoảng 121.000 con và 10 trang trại.

Lĩnh vực trồng trọt, Bình Dương có nhiều loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối... Toàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sán xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm của tỉnh đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.

Theo TS. Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Trồng dưa lưới ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, Bình Dương. Ảnh: T.L

Trồng dưa lưới ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, Bình Dương. Ảnh: T.L

Bình Dương đồng thời lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm chìa khóa bứt phá nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

"Với quan điểm sáng tạo, linh hoạt; ngành khoa học và công nghệ đã hỗ trợ, giúp ngành nông nghiệp nâng cao giá trị, tạo đà bứt phá trong thời gian qua", TS. Long nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu.

Bộ trưởng Đạt đánh giá, nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương có những bước phát triển mạnh thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương có những bước phát triển mạnh thời gian qua. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương có những bước phát triển mạnh thời gian qua. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tỉnh Bình Dương hiện có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, nhiều nhất nước. "Khó có nơi nào phù hợp hơn Bình Dương để bàn về nông nghiệp công nghệ cao", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.

Hiện nay, tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao còn rất lớn. Từ khu vực Bình Dương, Bộ trưởng Đạt gợi ý 5 vấn đề để tiếp tục bàn luận để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước: 

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách chung bởi vì việc triển khai nông nghiệp công nghệ cao còn chưa đồng bộ thời gian qua.

Thứ hai, tăng cường bảo hộ và đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; cũng như khai thác tốt hơn tài sản trí tuệ. 

Kế đến tận dụng ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước để tăng cường xuất khẩu nông sản. 

Nâng cao năng lực hấp thụ khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời nâng cao trình độ khoa học công nghệ cho nông dân, chủ thể chính của sản xuất nông nghiệp.

Cuốii cùng, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp sẽ là điểm đột phát cho nền nông nghiệp. Cần tạo điều kiện tốt hơn cho việc hình thành phát triển lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem