Không phải vàng, USD hay đất, cô dâu số hưởng ở Hữu Kiên được nhận của hồi môn là ngựa bạch quý hiếm

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 16/09/2021 06:06 AM (GMT+7)
Thôn Co Hương, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nổi tiếng với nghề chăn nuôi ngựa bạch. Khi con gái lấy chồng bố mẹ cho vài đôi ngựa bạch để con có vốn liếng làm ăn. Dần dà đây được xem là nét đẹp được phổ biến ở xã trước kia thuộc diện khó khăn này.
Bình luận 0

Của hồi môn bằng ngựa

Ông Nông Văn Chưng năm nay 43 tuổi ở thôn Co Hương - người được mệnh danh là khá mát tay chăn ngựa bạch kể: "Ngày trước, nhà ông nội tôi nuôi ngựa, rồi đến bố tôi cũng nuôi ngựa. Nhưng gia đình ông và bố tôi chủ yếu nuôi ngựa để thồ, thu hoạch lúa ngô và những thứ ở rừng về, bởi Hữu Kiên là xứ rừng già nổi tiếng của huyện Chi Lăng. Thấy ngựa bạch mắt đồng (mắt trắng) có giá trị kinh tế cao, chăn thả dễ và đặc biệt là ngựa ít ốm đau bệnh tật và phát triển rất tốt trong điều kiện khí hậu lạnh ở Hữu Kiên nên khoảng 20 năm trở lại đây thôn Co Hương đã chuyển sang nuôi ngựa bạch".

Ngồi nhâm nhi chén rượu từ cao ngựa, ông Chưng kể tiếp, chỉ có loại ngựa mắt đồng mới quý thôi, gọi là mắt đồng vì mắt của ngựa cũng có màu trắng, chứ ngựa toàn thân lông trắng, mà mắt vẫn đen thì cũng không đáng tiền là mấy. 

Đặc điểm của loại ngựa mắt đồng là cứ đến giữa trưa trời nắng, chúng không nhìn thấy đường, buộc phải tìm bụi cây, hay chỗ nào đó đứng nghỉ. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ thì chúng mới nhìn lại được, nên muốn bắt ngựa thì cứ đến trưa là chúng không biết đường nào mà chạy chỉ cần mang thừng cột cổ dắt về.

Nhờ nuôi ngựa mà đời sống của người dân Co Hương nay đã sang trang mới, người dân có của ăn của để. Có lẽ vì thế nên ngựa bạch được người dân nơi đây vô cùng coi trọng. Đặc biệt, giờ đây ngựa bạch được chọn làm những món quà đặc biệt của bố mẹ khi cho con cái ra ở riêng. 

Ông Nông Văn Chưng tiếp tục câu chuyện, ở trong thôn những năm gần đây con cái lấy vợ lấy chồng ra ở riêng bố mẹ thường cho đôi ngựa để làm vốn, nhằm khuyến khích con cái chăn nuôi xây dựng kinh tế gia đình, nên con gái Co Hương Hữu Kiên giờ đây ngày càng đắt chồng hơn. Có những gia đình hồi môn cho con gái tới 4 con ngựa bạch thì giá trị tương đương một chiếc xe hơi loại vừa vì giá ngựa bạch trưởng thành lên tới 70 triệu đồng mỗi con.

 Thôn hồi môn bằng ngựa  - Ảnh 1.

Ngựa bạch thôn Co Hương được chăn thả tự nhiên

Đồng lòng phát triển thương hiệu ngựa

Mỗi năm người dân thôn Co Hương Hữu Kiên chăn nuôi cho ra lò cả trăm con ngựa bạch thương phẩm. Nhờ đội ngũ lãnh đạo xã trẻ và năng động như Hữu Kiên hiện nay, thì thương hiệu ngựa bạch Hữu Kiên sẽ ngày một phát triển hơn nữa. Đặc biệt, những loại sản phẩm như cao ngựa bạch cũng đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP của xã vùng xa này.

Cả một buổi trưa chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện về ngựa với chủ tịch xã Hữu Kiên Nguyễn Hoa Tin. Anh Tin năm nay đã tròn 40 tuổi, nói về chuyện ngựa th anh say sưa lắm. Không cần sổ sách, anh cũng kể vach vách hiện nay cả xã có 2200 con ngựa, riêng ngựa bạch là 1120 con, chiếm 53% tổng số ngựa trong xã. Đây là toàn bộ số ngựa giống đang trong thời kỳ sinh sản.

Năm 2020, toàn xã đã bán hơn 1000 con ngựa. nhưng hiện nay bà con vẫn chăn nuôi và buôn bán ngựa một cách tự phát cho các lái buôn từ các tỉnh: Bắc Giang, Hà Nam, Cao Bằng,.... Vì vậy ngựa ở Hữu Kiên cũng có lúc rẻ lúc đắt, bình quân chỉ đạt 40- 70 triệu mỗi một con ngựa. Ngoài ra, vẫn chưa có nhiều người biết tới thương hiệu ngựa bạch Hữu Kiên. 

Sắp tới, xã sẽ chỉ đạo xuống tất cả các thôn phải lập danh sách ngựa, quản lý theo ra phả để tránh giống ngựa ở Co Hương, Hữu Kiên bị thoái hóa vì giao phối cận huyết, và điều này cũng giúp việc phòng dịch bệnh được tốt hơn. 

 Thôn hồi môn bằng ngựa  - Ảnh 2.

Quy trình nấu cao ngựa

Nông dân mát tay chăn nuôi ngựa Nông Văn Chưng cho biết thêm: "Một con ngựa ở Co Hương chỉ nấu được từ 3 -4kg cao. Nếu ai mà nấu được hơn thì đó là cao ngựa khác chứ nhất định không phải ngựa bạch Co Hương, vì ở đây chúng tôi chỉ nấu 100% từ xương của ngựa bạch. Quy trình nấu rất nghiêm ngặt: xương phải được làm sạch, rồi chặt nhỏ rồi dùng máy thủy lực khuấy cho hết tủy và phân gân còn bám lại, đến lúc sạch mới cho lên nấu liên tục trong khoảng 25 giờ đồng hồ mới cô lại được thành cao. Hiện nay mỗi kg cao chúng tôi đang bán giá 15 triệu đồng".

Anh Chưng mong những sản phẩm từ ngựa bạch của thôn mình được bạn bè cả nước biết tới, tiêu thụ một cách nhanh chóng hơn. Để thúc đẩy phong trào chăn nuôi ngựa bạch ở địa phương ngày được phát triển một cách lành mạnh và quy củ hơn nữa.

 Thôn hồi môn bằng ngựa  - Ảnh 3.

Anh Chưng và sản phẩm cao ngựa Co Hương xã Hữu Kiên

Ngựa bạch Hữu Kiên tốt nhất là khi ngựa được 6-7 tuổi, khi đó các sản phẩm từ ngựa mới chuẩn nhất. Vì vậy, nếu muốn xây dựng thương hiệu cho ngựa bạch Hữu Kiên thì xã phải quản lý được từ khâu giống đến khâu xuất bán.

"Sau này, chúng tôi sẽ xây dựng quy chế về chăn nuôi, trong đó quy định nếu hộ gia đình nào mà cố tình bán ngựa non, ngựa ốm, ngựa bệnh thì xã sẽ kiên quyết không cấp giấy xuất hàng. Vì nếu làm như vậy sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm không tốt, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu ngựa Hữu Kiên" - anh Nguyễn Hoa Tin-  Chủ tịch xã Hữu Kiên nhấn mạnh.

Clio: Ngựa bạch đực chăn nuôi  sau khi đi ăn ở rừng về được chăm sóc tại nhà




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem