Không quản lý được vốn đầu tư, ngân hàng ngoại tháo chạy khỏi Việt Nam

Trần Giang Thứ tư, ngày 12/07/2017 07:00 AM (GMT+7)
Một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam là khoản đầu tư vào ngân hàng nội địa thường không hiệu quả. Hay nói đúng hơn là họ không thể quản lý và kiểm soát được đồng vốn của mình.
Bình luận 0

Thậm chí, có ngân hàng họ đầu tư đến 20% cổ phần trên vốn điều lệ nhưng hầu như không có tiếng nói gì trong mọi quyết định.

Xuất hiện hoành tráng, ra đi âm thầm

Những cái tên đình đám trên thị trường tài chính thế giới và khu vực như Citibank, HSBC, Stanchard Chartered, ANZ, Deuchbank, BTMU, Bank of misubishi, Shinhanbank.... đã có những động thái rất máu lửa và hăm hở bước vào thị trường Việt Nam.

Ví như thương vụ mua cổ phần ngân hàng nội như Stanchard Chartered mua 15% cổ phần ACB, HSBC mua 20% cổ phần Techcombank, ANZ kết duyên với Sacombank… Đồng thời, HSBC, ANZ cũng trở thành ngân hàng ngoại 100% vốn tại Việt Nam với mục tiêu mở rộng mạng lưới, mở rộng sự hiện diện của họ tại VN.

Họ đến Việt Nam với mục đích chính là phục vụ các khách hàng của họ, khi số lượng các khách hàng của họ đủ lớn. Ví dụ như UOB mở chi nhánh tại Việt Nam từ năm 1995 và cho đến hôm nay, hơn 20 năm sau họ cũng chỉ phục vụ chủ yếu cho trên 30 khách hàng có trụ sở tại Singapore mà có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều ngân hàng đến Việt Nam theo quá trình toàn cầu hoá và cần có sự hiện diện của họ tại khắp nơi trên thế giới. Mục đích của họ là tăng thị phần, khách hàng và lượng giao dịch với đối tượng khách hàng nội địa (gồm cá nhân và tổ chức).

Với kinh nghiệm lâu đời, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, tính chuyên nghiệp cao, khách hàng sẵn có, nguồn vốn giá rẻ và trên hết uy tín của tổ chức lớn, các ngân hàng ngoại nhìn thị trường Việt nam với con mắt hết sức tiềm năng và tốc độ tăng trưởng tốt kèm kỳ vọng hết sức lạc quan về thị trường nội địa.

img 

HSBC muốn thoái vốn khỏi Techcombank (Ảnh: Internet)

Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Phát súng đầu tiên là ANZ thoát khỏi Sacombank, thời điểm đó thị trường và các chuyên gia nghĩ rằng động thái này thể hiện ANZ muốn tự chủ và tự phát triển mạng lưới của hộ mà không cần 1 đối tác chiến lược là Sacombank nữa.

Nhưng đến HSBC xác nhận muốn rút vốn khỏi Techcombank và rút toàn bộ cán bộ quản lý về lại ngân hàng mẹ, Stanchard Chartered cũng công bố muốn rút vốn khỏi ACB, Hongleong bán toàn bộ thị trường Việt  Nam cho CIMB, Commomwelth bán cho VIB.

CitiBank sau khi mở dịch vụ ngân hàng thương mại (chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng nội địa) được khoảng 1 năm thì bắt đầu co cụm lại. Họ không còn nhắm vào phân khúc này nữa, mà quay trở lại mô hình truyền thống là phục vụ các khách hàng toàn cầu của họ.

ANZ đóng cũng đóng cửa dịch vụ ngân hàng thương mại và bán lại mảng bán lẻ cho 1 ngân hàng khác, HSBC cũng không còn mặn mà với các mảng khách hàng nội địa này, còn Stanchard Chartered thì chưa thật sự có 1 định hướng rõ ràng cho mảng khách hàng này. Và như vậy, họ bắt đầu có nhiều bước chuẩn bị để rút lui kèm theo đó là rất nhiều hình thức thoát khỏi thị trường Việt Nam.

Nguyên nhân khiến ngân hàng ngoại tháo chạy

Xét về mặt tích cực, việc tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam sẽ tốt hơn cho sự cạnh tranh của các ngân hàng nội và không còn có sự khác biệt nhiều về sản phẩm, dịch vụ.

Ví dụ, trước đây việc phát hành trái phiếu ngoại tệ, đó là mảng giành riêng cho ngân hàng nước ngoài nhưng giờ đây, phần lớn các ngân hàng nội đều có thể thực hiện được. Hay các nghiệp vụ về phái sinh hàng hoá, tiền tệ bây giờ các ngân hàng quốc nội hoàn toàn tự chủ và thực hiện một cách dễ dàng và linh động hơn rất nhiều.

Sự "tháo chạy" này cũng cho thấy lợi thế về mạng lưới của các ngân hàng nội, giúp các ngân hàng nội đến gần khách hàng hơn. Điều này cũng thể hiện sự kém cỏi của các ngân hàng nước ngoài so với ngân hàng nội địa về mức độ linh động, khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng với một thị trường biến động nhanh như thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, các ngân hàng nội  cũng rất linh động trong qui chế, sản phẩm, dịch vụ. Điều này thể hiện các doanh nghiệp toàn cầu trước đây chỉ mở tài khoản giao dịch duy nhất với một ngân hàng nước ngoài của họ. Nhưng giờ đây, họ luôn duy trì tài khoản này với một hay nhiều tài khoản ở các ngân hàng nội khác và sự dịch chuyển và qui mô giao dịch cũng giảm đi tương đối ở ngân hàng nước ngoài.

Sự tháo chạy của ngân hàng nước ngoài còn có những nguyên nhân khác, mà điều đầu tiên là thị trường không minh bạch, không ổn định, không công bằng trong việc đối xử giữa cơ quan chủ quan với ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước.

Ví dụ, một Nghị định của Ngân hàng Nhà nước ban hành, ngân hàng nước ngoài sẽ là tuân thủ 100% kể cả họ mất khách hàng hay mất thị phần. Nhưng các ngân hàng nội thì sẽ có độ trễ tuân thủ nhất định hoặc không tuân thủ hoặc tìm đủ mọi kẽ hở để không tuân thủ, miễn là họ giữ được khách hàng, giữ được doanh thu, thị phần... mà điều này các cơ quan chủ quan hoàn toàn biết.

Một lý do nữa, đó là sự cạnh tranh không lành mạnh trong những năm trở lại đây giữa ngân hàng nước ngoài và trong nước, dẫn đến thị phần của ngân hàng nước ngoài giảm xuống, các khách hàng quốc nội dần dần chia tay họ để bén duyên trở lại với ngân hàng nội địa.

Quan trọng hơn, các khoản đầu tư không hiệu quả vào các ngân hàng nội địa và về bản chất là họ không thể quản lý được đồng vốn của họ. Họ không thể kiểm soát được đồng vốn của mình và cuối cùng họ không hề có thể can thiệp vào bất cứ hoạt động gì của ngân hàng họ đầu tư vào thậm chí với cổ phần lớn đến 20%, nhưng hầu như không có tiếng nói gì cả trong mọi quyết định.

Tình hình kinh doanh toàn cầu không tốt của ngân hàng nước ngoài cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới việc rồi bỏ những thị trường không phải là thị trường trọng tâm.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem