Ngư dân Phạm Thanh Lên (phường 6, TP.Tuy Hòa) nói: “Ngay lúc còn giữa biển, anh em tàu tôi đã biết sự vụ của tàu PY96173TS. Biển ngày một khó kiếm ăn, đánh bắt cho đủ tổn, có lãi thì phải đi dài ngày, tăng chi phí. Có hồi, tui nghe một số anh em xúi nhau cùng liều một chuyến lấn sang biển nước ngoài, đánh nhanh rồi rút. Thế nhưng nhiều người không ủng hộ”.
Ngư dân Phạm Phong (phường Phú Đông, Tuy Hòa) cho biết, nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ có truyền tai về những vùng “biển hứa” ở nước khác, nơi có nhiều loài hải sản quý, “đánh vài nhát là đổi đời”. Thế nhưng đường đi phải mất ít nhất 2 tháng, nhiều nguy hiểm rình rập. “Các nước hiện đang thắt chặt kiểm soát vùng biển. Nghe nói nhiều nước sẵn sàng bắn bỏ, đốt tàu xâm phạm vùng biển của họ. Tui thì đã dứt khoát nói với anh em quen biết: Không thể đánh đổi tính mạng mình cho chuyện liều lĩnh vi phạm pháp luật như vậy” - ông Phong nói.
Tàu cá của ngư dân Phú Yên chuẩn bị rời cảng cá phường 6 (Tuy Hòa) ra khơi đánh bắt. Ảnh: T.L
Ông Lương Luận - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông cho biết: “Nghiệp đoàn đã tuyên truyền cho các ngư dân về việc không đánh bắt hải sản ở các vùng biển nước ngoài. Hầu hết ngư dân đều đồng thuận, chấp hành đánh bắt trong hải phận Việt Nam. Thế nhưng nghề đánh bắt xa bờ nước ta đang phát triển quá mạnh, nguồn cá ở biển Đông ngày càng ít dần, nhiều tàu đánh bắt bị thua lỗ. Một số tàu ham mê theo các luồng cá lớn để có thu chuyến biển cao hơn nên vô tình hay cố tình vi phạm vùng biển các nước. Biết bao rủi ro thiệt hại nặng nề đã xảy ra, đó là những bài học cảnh tỉnh cho ngư dân địa phương”.
Còn ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá Phú Yên cho rằng, phải có chế tài mạnh hơn nữa để ngư dân “nói không” với xâm phạm lãnh hải các nước. Địa phương sẽ tích cực yêu cầu các tổ tàu thuyền hỗ trợ nhau để cùng đánh bắt hiệu quả, đảm bảo an toàn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.