Không trả lại đường cho người dân: Những bê bối gì đang xảy ra tại VEC?
Thế Anh
Thứ sáu, ngày 17/07/2020 17:03 PM (GMT+7)
Việc trả lại đường cho địa phương trên địa bản tỉnh Quảng Nam, Bộ GTVT khẳng định, thường xuyên chỉ đạo và đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu VEC chỉ đạo các Nhà thầu khẩn trương thực hiện đúng theo các quy định của hợp đồng, nhưng tiến độ thực hiện hạng mục này rất chậm.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện Quốc hội chuyển đến với nội dung: "Đề nghị chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến việc thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua tỉnh Quảng Nam), nhất là việc hoàn trả các tuyến đường địa phương sử dụng làm đường công vụ (đã kỉến nghị nhiều lần nhưng chưa tập trung chi đạo giải quyết dứt điểm)".
Được biết, các hạng mục sửa chữa, hoàn trả các đường địa phương bị hư hỏng do sử dụng làm đường công vụ thi công dự án là một hạng mục công trình đã có trong dự án đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt. Do đó, trong các hợp đồng xây lắp do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ký kết với các nhà thầu, hạng mục này được quy định cụ thể tại mục 01600 - "Duy trì và đảm bảo giao thông" và mục 01620 - "Hoàn trả hạ tầng bị ảnh hưởng do thi công" trách nhiệm tổ chức thực hiện thuộc về Chủ đầu tư dự án (VEC), Tư vấn giám sát và các Nhà thầu thi công.
Tuy nhiên, tại báo cáo của VEC, đến thời điểm hiện nay, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam còn 4 tuyến đường (3 đường thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên và 1 đường thuộc địa bàn huyện Quế Sơn); đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn 17 đường (trong đó có 8 đường đã được địa phương thực hiện nâng cấp bằng nguồn vốn của địa phương), các Nhà thầu thi công chưa hoàn thành công tác sửa chữa, hoàn trả địa phương như cam kết.
Cụ thể về tiến độ thực hiện: Tuyến ĐH9 thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang được Nhà thầu sửa chữa, hoàn trả, hiện khối lượng hoàn thành khoảng 1,0km/2,5km; các tuyến đường khác chưa triển khai sửa chữa, hoàn trả).
Đối với việc hư hỏng, xuống cấp các tuyến đường làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, Bộ GTVT khẳng định: "Thường xuyên chỉ đạo và đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu VEC chỉ đạo các Nhà thầu khẩn trương thực hiện đúng theo các quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện hạng mục này rất chậm đúng như phản ánh của cử tri tỉnh Quảng Nam".
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ GTVT cho rằng: "Do các bất cập trong vấn đề tổ chức nhân sự và chỉ đạo điều hành của VEC, vướng mắc về nguồn vốn để triển khai tiếp các khối lượng công việc còn lại".
Cũng theo VEC báo cáo có một số tuyến đường (như tuyến đường bê tông nông thôn Đồng Nghệ - Trà Lang nay là thôn 5 và thôn 2) được chính quyền địa phương đề nghị sửa chữa, hoàn trả nhưng Chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công xác nhận là không mượn hoặc sử dụng các tuyến đường này để thi công hay tiếp cận dự án.
Vì vậy, VEC (cụ thể là Ban QLDA) đã có văn bản đề nghị địa phương cung cấp các tài liệu liên quan làm cơ sở để VEC chỉ đạo các Nhà thầu thực hiện nhưng chính quyền địa phương chưa cung cấp cho VEC các tài liệu liên quan đến việc Chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công mượn các tuyến đường này để thi công hay tiếp cận dự án.
Để sớm hoàn trả lại đường cho địa phương, người dân sớm ổn định cuộc sống, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, chỉ đạo VEC cho đến khi hạng mục này hoàn thành, có xác nhận của chính quyền địa phương.
Để tạo điều kiện cho VEC có đủ cơ sở chỉ đạo các Nhà thầu thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường địa phương đúng theo quy định của hợp đồng, Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp, cung cấp cho VEC các tài liệu liên quan đến việc Chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công mượn các tuyến đường này để thi công hay tiếp cận dự án.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài khoảng 139 km, đi qua TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng được chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 2/9/2018. Dự án do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Đây là một dự án cao tốc khá "bê bối" của ngành giao thông khi vừa thông xe 66,5 km; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn từ Tam Kỳ đến Quảng Ngãi đã nảy sinh một số tồn tại, xuất hiện tình trạng hư hỏng gây mất an toàn giao thông.
Ngày 11/5/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Lê Quang Hào về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 298 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Lê Quang Hào là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Quá trình điều tra xác định các đối tượng trên đã có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu, gây thiệt hại về tài sản khi thực hiện dự án.
Trước đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 người gồm: Nguyễn Tiến Thành - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình - nguyên Giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An - thành viên Cienco 1, Phó Giám đốc ban điều hành gói thầu số 7.
Ngày 3/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an tiếp tục khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 3 cựu giám đốc, 4 nguyên phó giám đốc và 2 chỉ huy công trường dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.