Không vì lợi Nhà nước mà làm khó dân

Thứ tư, ngày 27/02/2013 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Luật phải dựa trên nguyên tắc chủ đạo là người dân được tự do cư trú, đi lại. Việc đăng ký tạm trú, thường trú phải thông thoáng...”.
Bình luận 0

Siết chặt nhập cư nội đô

Sáng 26.2, thay mặt cơ quan soạn thảo Luật Cư trú, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. So với quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại Luật Cư trú hiện hành (Điều 20), các điều kiện nói trên được quy định theo hướng chặt chẽ hơn.

Đó là, ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

img
Theo dự thảo luật, nơi đăng ký thường trú của người dân phải là nơi đang tạm trú (ảnh minh họa).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo luật cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung về điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Tuy nhiên, về điều kiện “phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng”, cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như vậy là “chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau”.

Qua đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị: Để bảo đảm đầy đủ các quy định của pháp luật về dân sự và nhà ở thì cần quy định cụ thể gồm 2 văn bản rõ ràng, đó là hợp đồng dân sự về cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ có chứng thực của chính quyền địa phương hoặc công chứng, và văn bản của người có sổ hộ khẩu đồng ý cho người thuê, mượn, ở nhờ được đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Ngoài ra, cũng theo ông Phan Trung Lý, việc dự thảo luật quy định: “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” có thể dẫn đến những hạn chế quyền của người dân. Bởi việc ở nhờ, mượn hay thuê nhà ở thường không có tính ổn định, có sự phụ thuộc vào các hợp đồng dân sự về thời hạn thuê, mượn, ở nhờ, về giá thuê nhà ở cũng như phụ thuộc vào điều kiện công tác, làm việc, sinh hoạt.

Dễ Nhà nước, khó nhân dân

Thảo luận về dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình như Hiến định mà chủ yếu tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời chưa bao quát các vấn đề cần thiết khác cũng đang được đặt ra trong công tác quản lý cư trú như vấn đề quản lý cư trú tại khu vực biên giới…

“Cơ quan quản lý không nên chỉ nghĩ theo hướng có lợi cho mình mà làm khó người dân, hễ cái gì khó là nghĩ tới cấm đoán... Luật ban hành là để đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho người dân”.

Quy định xóa tên người dân trong hộ khẩu thường trú trong một số trường hợp (như khi đi công tác nước ngoài từ 2 năm trở lên, đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi tù…) cũng không nhận được sự đồng tình từ nhiều thành viên của UBTVQH. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khá bức xúc phát biểu:

Đăng ký thường trú là quyền bất khả xâm phạm của người dân. Việc xóa tên họ khi họ đi nước ngoài hoặc đi tù là vi phạm quyền này. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đánh giá:

Việc xóa tên người dân khỏi đăng ký thường trú thực ra là việc cơ quan quản lý tự làm khó mình. Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an thanh minh lại: Việc xóa tên chỉ là tạm thời, sau đó sẽ nhanh chóng cho người dân nhập lại. Bộ trưởng Bộ Công an sẽ có quy định cụ thể cho từng trường hợp.

Chốt vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh thêm: “Cơ quan quản lý không nên chỉ nghĩ theo hướng có lợi cho mình mà làm khó người dân, hễ cái gì khó là nghĩ tới cấm đoán. Phải luôn tư duy là để cho người dân quản lý, giám sát. Luật ban hành là để đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho người dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem