Khu giàu có Khartoum tàn lụi vì hai tướng Sudan quyết đấu 'một mất một còn'

Thứ hai, ngày 24/04/2023 19:12 PM (GMT+7)
Từng sống ở các con phố sầm uất và sang trọng tại thủ đô Sudan, người dân giờ đây đang chờ đợi bất kỳ cơ may nào để rời khỏi Khartoum nhằm tránh cuộc giao tranh đẫm máu.
Bình luận 0

 

Hơn một tuần trước, những khu phố tại thủ đô Khartoum, Sudan là những quán cà phê, nơi nhiều doanh nhân và chính khách thưởng thức các món sinh tố và bánh mỳ. Những căn biệt thự sang trọng và căn hộ với những chiếc đèn chùm là biểu tượng của sự giàu có xuất hiện tại thủ đô của quốc gia Bắc Phi.

Mọi thứ đã thay đổi. Những khu phố ở trung tâm Khartoum từng là nơi được tìm đến nhiều nhất, nay nguy hiểm đến mức người dân đang chờ từng giây phút để thoát khỏi đây, theo Guardian.

“Khartoum đã trở thành một thành phố ma”, Atiya Abdalla Atiya, thành viên của Tổ chức Bác sĩ Sudan, chia sẻ với Guardian từ thủ đô Khartoum.

Chỉ trong một tuần, tiếng ồn nhộn nhịp từ người qua lại đã bị thay bằng tiếng bom, đạn pháo và súng trường, khiến hàng chục nghìn người mắc kẹt trong nhà.

Omer Belal, cư dân của Khartoum 2, khu vực gần trụ sở các bộ quan trọng và gần sân bay quốc tế đang giao tranh căng thẳng của thủ đô, đã gửi gia đình cho họ hàng tại khu ngoại ô al-Hajj Yousif.

“Tôi có thể là người cuối cùng nơi này rời đi. Tôi đang chờ các vụ nổ hạ nhiệt một chút”, Omer Belal nói. “Có các đợt pháo kích ngẫu nhiên và nhà hàng xóm tôi đã trúng một quả đạn lớn. Toàn bộ khu dân cư và các khu vực xung quanh chúng tôi đều trống rỗng… Không còn ai ở đây”.

Đã có hơn 400 người chết kể từ khi giao tranh nổ ra vào ngày 15/4. Nhưng các nhân viên y tế cho biết thương vong thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Viễn cảnh về một Khartoum vắng bóng người đã ít nhiều được chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF Mohamed Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti) đề cập vào năm 2019. Vài ngày sau khi lực lượng RSF tấn cuộc biểu tình ôn hòa vào năm đó, khiến hơn 200 người chết, ông nói rằng nếu biểu tình kéo dài, binh lính của ông sẽ biến Khartoum thành “thị trấn ma”, như những gì thành phố Darfur trải qua sau hàng chục năm xung đột.

“Những tòa nhà xa xỉ sẽ chỉ còn mèo sinh sống”, ông nói.

Người dân thủ đô tuyệt vọng

Căng thẳng giữa tướng quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và tướng Hemedti đã biến khu dân cư giàu có tại Khartoum thành nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nơi đây gần các địa điểm chiến lược quan trọng như trụ sở quân đội - được cho là có boong ke chỉ huy của ông Burhan - dinh tổng thống và sân bay.

Khu giàu có Khartoum tàn lụi vì hai tướng Sudan quyết đấu 'một mất một còn' - Ảnh 1.

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực tại Sudan bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa chỉ huy quân đội nước này Abdel Fattah al-Burhan (trái) và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh Mohamed Hamdan Dagalo. Ảnh: Financial Times.

Với nhiều người sơ tán khỏi Khartoum, họ đang trải qua những đêm đầu tiên trong ôtô trên những con đường ngoại ô thủ đô.

“Mọi người cố tận dụng mọi thứ có thể để chạy khỏi Khartoum, từ xe tải hay xe buýt nhỏ. Nhiều người trong chúng tôi không có tiền mặt”, Majid Maalia, cư dân ở Khartoum 2, cho biết. Căn hộ ông Maalia ở đã bị trúng các đòn không kích ngay khi ông vừa rời đi vào ngày 20/4.

Khu giàu có Khartoum tàn lụi vì hai tướng Sudan quyết đấu 'một mất một còn' - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng chờ sơ tán khỏi thủ đô Khartoum ngày 19/4. Ảnh: Reuters.

Trước tình cảnh giao tranh tiếp diễn, mọi nỗ lực của quốc tế nhằm thúc đẩy hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn dường như đi vào ngõ cụt. Một lệnh ngừng bắn tạm thời để hỗ trợ nhân đạo cũng được xem là xa vời, khi các thỏa thuận trước đó đã sụp đổ chỉ trong vài phút.

“Không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp quân sự”, ông Burhan nói với đài Al Jazeera.

Giao tranh liên tục đã khiến nhiều quốc gia phải sơ tán công dân cùng những nhà ngoại giao. Song, hành lang sơ tán cũng không thật sự dễ dàng, khiến nỗ lực đưa công dân rời khỏi đây của các nước càng thêm phức tạp.

Chưa có câu trả lời

Hiện không rõ khi nào máu sẽ ngừng đổ tại Sudan. Song, đã có những tín hiệu chỉ ra hai vị tướng ở hai đầu chiến tuyến sẽ đấu tới "một mất một còn".

Mới chỉ một thời gian ngắn trước đây, tướng al-Burhan và Hemetti còn là đồng minh. Năm 2019, họ từng chung tay lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir - người đứng đầu chính phủ Sudan trong 30 năm. Năm 2021, họ lại cùng nhau lật đổ Thủ tướng dân sự Abdalla Hamdok. Tuy nhiên, liên minh giữa hai phe đầy rẫy những nghi kỵ.

Khu giàu có Khartoum tàn lụi vì hai tướng Sudan quyết đấu 'một mất một còn' - Ảnh 3.

Khói bốc lên tại sân bay ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters.

Lực lượng của hai bên cũng mang đến những sự khác biệt. Trái ngược với quân đội chính quy của ông Burhan, các thành viên gia nhập RSF phần lớn đến từ quê nhà của ông Hemedti - Darfur. Những người này từ lâu đã bất mãn với giới tinh hoa đã không chú ý đến đời sống của họ.

Tiến sĩ Nick Westcott từ Đại học London cho biết ông Bashir trước đây muốn giành sự ủng hộ từ giới tinh hoa, và ông Burhan giờ đây đang cố làm điều tương tự. Trong khi đó, ông Hemedti dường như không quan tâm đến nhóm này, và không bận tâm đến thương vong hay thiệt hại thực địa.

“Những binh lính RSF có ít thứ để mất. Họ là những chiến binh giàu kinh nghiệm và cứng rắn. Trong khi đó, quân đội Sudan đã quen việc cuộc sống trong doanh trại, do đó ông Hemedti cảm thấy rằng mình có thể thắng thế”, tiến sĩ Westcott nói.

 


Trần Hoàng (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem