Khuất tất đấu giá "đất vàng" ở An Giang: Quy chế hạn chế doanh nghiệp tham gia đấu giá?

Hồng Cẩm Thứ sáu, ngày 21/05/2021 07:45 AM (GMT+7)
Công ty Đất Thành chỉ ra việc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Thành (An Giang) đưa ra quy chế không phù hợp, có dấu hiệu hạn chế doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Bình luận 0

 Quy chế "lạ" hạn chế doanh nghiệp tham gia

Trong đơn tố cáo của mình ông San nêu: "Tôi là một doanh nghiệp, từng tham gia đấu giá nhiều tài sản khác nhau, thậm chí công ty tôi đang thực hiện dự án đên địa bàn huyện Châu Thành, nên việc đưa ra điều kiện chứng minh năng lực tài chính của DNĐGTN An Giang là một hình thức hạn chế doanh nghiệp tham gia đấu giá, có thể gây ra thoát thoát nghiêm trọng nguồn thu của Nhà nước. 

Trước khi tham gia đấu giá dự án này, doanh nghiệp chúng tôi đã chủ động nguồn vốn để tham gia đấu giá lên đến 80 – 100 tỷ đồng, vì mức giá này vẫn còn lãi so với giá đất thị trường khi dự án được triển khai".

Bài 2: Quy chế đấu giá hạn chế doanh nghiệp tham gia đấu giá - Ảnh 1.

Dự án Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao và Đô thị huyện Châu Thành

Theo tìm hiểu của phóng viên, về chứng minh năng lực tài chính tham gia đấu giá, tại khoản 4.2, Điều 4 Quy chế đấu giá tài sản ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-ĐGAG ngày 12/10/2020 của DNĐGTN An Giang quy định điều kiện năng lực tài chính tham gia đấu giá: Phải chứng minh năng lực tài chính (có nguồn vốn) được xác định số dư trong tài khoản của mình là 63 tỷ đồng và khoản cấp tín dụng không điều kiện là 150 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ.

Căn cứ Điều 7 Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất áp dụng trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Quyết định số 59/2018/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh An Giang, dự án trên dưới 20 ha, thì vốn sở hữu không thấp hơn 20 % tổng mức đầu tư dự án.

Cụ thể, đối với dự án Trung tâm đô thị có tổng mức đầu tư là 217 tỷ đồng, thì vốn sở hữu của doanh nghiệp tham gia đấu giá chỉ cần có 43,4 tỷ đồng là đủ điều kiện tham gia đấu giá. 

Nhưng Quy chế đấu giá do DNĐGTN An Giang ban hành lại quy định đơn vị tham gia đấu giá phải có nguồn sở hữu vốn là 63 tỷ đồng (trên 20% so với tổng mức đầu tư dự án- PV). 

Điều kiện này sẽ làm cho người có vốn chủ sở hữu từ 43,4 tỷ đồng đến 62,9 tỷ đồng (bằng 20%) sẽ không đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Đồng thời, ở khả năng huy động vốn, UBND tỉnh An Giang chỉ quy định người tham gia đấu giá có khả năng huy động vốn từ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác, không ràng buộc điều kiện nào khác, nhưng Quy chế đấu giá của DNĐGTN An Giang ban hành lại quy định là phải có khoản cấp tín dụng không điều kiện 150 tỷ đồng là chưa phù hợp quy định của UBND tỉnh An Giang.

Để rộng đường dư luận, sau nhiều lần liên hệ phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chủ đất là Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Thành.

Ông Huỳnh Dũng Trinh - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Quy chế đấu giá được ban hành dựa trên hợp đồng giữa Trung tâm phát triển quỹ đất và DNĐGTN An Giang. Trước khi ban hành quy chế Trung tâm phát triển quỹ đất tham mưu UBND huyện họp các cơ quan, ban, ngành thống nhất đưa vào nội dung quy chế như thế nào. 

Quy chế là do DNĐGTN An Giang ban hành nhưng có sự thống nhất của chủ đất. Quy chế đấu giá đã được sự thống nhất của Trung tâm phát triển quỹ đất, sau đó trung tâm báo với lãnh đạo UBND huyện và được thống nhất".

Khẳng định với phóng viên, ông Trinh nói: "Về điều kiện chứng minh năng lực tài chính là 63 tỷ đồng này là theo quy định, quy định thấp nhất là 20%, khoảng 43 tỷ đồng, nhưng về nguyên tắc đấu giá phải đấu giá lên, chứ ai đấu giá ngược, nên đưa ra số tiền 63 tỷ đồng là không sai. Có thể đưa lên 50, 80 tỷ luôn…".

Ông Trinh cũng cho biết thêm, dự án Trung tâm đô thị đưa ra đấu giá có 4 công ty mua hồ sơ nhưng chỉ còn 2 công ty tham gia đấu giá là Công ty Cổ phần Đầu tư HTG và Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát Long Xuyên. Cuối cùng, Công ty Cổ phần Đầu tư HTG trúng đấu giá với mức giá 44,07 tỷ đồng.

Ông Cao Thanh Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp An Giang khẳng định: "Theo Luật Đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá của Công ty Đất Thành là đủ điều kiện tham gia đấu giá và đã được DNĐGTN An Giang tiếp nhập hồ sơ, đã nộp tiền cọc 8,4 tỷ đồng (20%)".

Ông Sơn cũng cho biết thêm: "Căn cứ vào khoản 2,3,4, Điều 14, Nghị Định 43/2014 của Chính Phủ quy định, xét thực tế Dự án Trung tâm đô thị có quy mô diện tích 9,8ha với dự toán tổng mức đầu tư dự án là 217 tỷ đồng, thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tham gia đấu giá chỉ cần có từ 43,4 tỷ đồng là đủ điều kiện tham gia đấu giá. 

Nhưng Quy chế đấu giá trên quy định có nguồn vốn được tham gia đấu giá phải 63 tỷ đồng là trên 20% so với tổng mức đầu tư dự án, theo tôi như vậy là không đúng, là hạn chế đơn vị tham gia đấu giá".

"Theo Luật Đấu giá thì hồ sơ của Công ty Đất Thành đủ điều kiện tham gia đấu giá còn về điều kiện chủ đất đưa ra thì chúng tôi chưa rõ lắm, nhà báo có thể làm việc với chủ đất để nắm?!"- ông Sơn nói.

Nhiều bất cập trong triển khai dự án

Ông Lê Phước Dũng - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, UBND huyện ủy quyền Trung tâm phát triển quỹ đất để đưa ra đấu giá, hợp đồng với DNĐGTN An Giang. 

"Nếu doanh nghiệp đầy đủ hồ sơ tham gia đấu giá doanh nghiệp đấu giá phải ghi nhận. Còn chuyện DNĐGTN An Giang không ghi nhận là chuyện của doanh nghiệp đấu giá (!)" – ông Dũng nói.

Bài 2: Quy chế đấu giá hạn chế doanh nghiệp tham gia đấu giá - Ảnh 2.

Dự án Trung tâm Văn hóa thể dục – thể thao và Dân cư đô thị huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đang được triển khai xây dựng

Ở một diễn biến khác, ngày 7/4/2020, UBND huyện Châu Thành có văn bản gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang về việc lấy ý kiến đóng góp phương án đấu giá khu "đất vàng" Trung tâm đô thị  huyện Châu Thành. Đến ngày 10/4/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời UBND huyện Châu Thành. 

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đề nghị UBND huyện Châu Thành xem xét lại điều kiện người trúng đấu giá phải tiếp tục tạo quỹ đất còn lại theo quy hoạch được duyệt, do chưa phù hợp với quy định pháp luật về luật đất đai và đấu giá tài sản.

Về vấn đề này, ông Lê Phước Dũng - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, diện tích đất sở hữu của người dân nhưng nằm trong dự án Trung tâm đô thị chiếm khoảng 2,3 ha, thì doanh nghiệp trúng đấu giá phải tự thỏa thuận với người dân. Doanh nghiệp phải tự tạo quỹ đất theo quy định.

Tuy nhiên, ông Dũng lại cho biết, theo Nghị định 25 của Chính phủ, phần đất này phải được đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Doanh nghiệp trúng đầu giá sẽ đề nghị UBND huyện Châu Thành thực hiện đấu thầu theo quy định.

Phóng viên đặt câu hỏi: Nếu khi tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng đơn vị trúng thầu không phải là doanh nghiệp đang thực hiện dự án thì UBND huyện sẽ xử lý như thế nào? 

Ông Dũng trả lời: "Nào đấu thầu thì tính!".

Liên quan đến dự án trên, ngày 11/12/2020, UBND huyện Châu Thành đã có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, sau đó Công ty Cổ phần Đầu tư HTG triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư HTG triển khai thực hiện dự án trước khi lập ĐMT (đánh giá tác động môi trường - PV) là chưa phù hợp với Nghị định 40 của Chính phủ. 

Cụ thể, Nghị định 40 quy định, chủ dự án phải trình báo cáo tác động môi trường trước khi cơ quan thẩm quyền tiến hành thẩm định báo cáo kinh tế – kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi, hoặc thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế cơ sở…

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem