Vụ trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền với giá 2.800 tỷ đồng: Buổi đấu giá diễn ra như thế nào?

Hồng Cẩm Thứ hai, ngày 12/04/2021 16:25 PM (GMT+7)
Liên quan đến một doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM trúng thầu mỏ cát trên sông Tiền (thuộc tỉnh An Giang) với số tiền "khủng" trên 2.800 tỷ đồng khiến cơ quan chức năng bất ngờ, dư luận xôn xao, nhiều ý kiến thắc mắc buổi đấu giá diễn ra như thế nào? DN trả giá vị trí thứ 2 có giá bao nhiêu?
Bình luận 0

Liệu có chuyện DN trúng đấu giá tại cuộc đấu giá "bỏ chạy" thì trao quyền khai thác cát cho DN đứng thứ 2?

Sáng 12/4, Dân Việt có buổi trao đổi trực tiếp với bà Đặng Ngọc Hồng Châu- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang.

Bà Châu cho biết, theo Luật đấu giá tài sản thì Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang đã đăng ký hồ sơ đăng ký tổ chức đấu giá. Qua quy trình lựa chọn thì trung tâm được UBND tỉnh chọn tổ chức đấu giá 2 mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu.

Không có chuyện DN trúng đấu giá tại cuộc đấu giá "bỏ chạy" thì trao quyền khai thác cát cho DN đứng thứ 2 - Ảnh 1.

Các ghe cát neo đậu trên sông Tiền địa phận An Giang.

Sau khi được lựa chọn trung tâm tiến hành thông báo đấu giá công khai theo Luật đấu giá tài sản và có nhiều hồ sơ tham gia. Sau khi tiến hành họp xét, đối với mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ) đã chọn được 19 DN, mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hoà, Châu Phú và xã Phú Hiệp, Phú Tân) chọn 16 DN được chọn tham gia.

"Đây là lần đầu tiên trung tâm tổ chức đấu giá mỏ cát. Trước đó trung tâm có tổ chức đấu giá mỏ đá, có giá khởi điểm từ 7 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng.

Đặc biệt buổi đấu giá mỏ cát trên sông Tiền diễn ra hết sức quyết liệt, có lúc cao điểm các DN ra giá cao 100%. Đơn vị trúng giá cuối cùng chênh lệch với đơn vị đứng thứ hai kế kèo nhau"- bà Châu cho biết.

Cụ thể, cuộc đấu giá mỏ cát trên sông Tiền chính thức diễn ra lúc 8h ngày 26/3, có 19 DN tham gia, trong đó có 6 DN có trụ sở tỉnh An Giang, 2 DN có trụ sở TP.HCM, 2 DN có trụ sở TP.Cần Thơ, 3 DN thuộc tỉnh Đồng Tháp, 2 DN thuộc tỉnh Kiên Giang và 1 DN thuộc Bình Dương.

Diện tích khu mỏ cát trên sông Tiền được đưa ra đấu giá là 60,3ha, mức sâu khai thác dự kiến là -16m. Diện tích và mức sâu khai thác có thể thay đổi trong quá trình thẩm định các hồ sơ có liên quan để đảm bảo khoảng cách xa bờ tối thiểu 200m đối với khu vực trên sông Tiền.

Giá khởi điểm đối với khu vực chưa thăm dò được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R), được tính bằng tỷ lệ phần trăm. Mức thu khởi điểm của khu mỏ cát trên sông Tiền R = 5% (tương đương với giá khởi điểm của khu mỏ là 7.206.469.000 đồng) và đơn vị trúng giá là Công ty TNHH TM và Dịch vụ T.S Home, với mức R= 1.951%, tương đương 2.811 tỷ đồng.

Không có chuyện DN trúng đấu giá tại cuộc đấu giá "bỏ chạy" thì trao quyền khai thác cát cho DN đứng thứ 2 - Ảnh 2.

Việc đấu giá mỏ cát với giá "khủng" khiến dư luận xôn xao.

Trong 4 giờ diễn ra buổi đấu giá diễn ra hết sức quyết liệt, ở 3 vòng đầu hầu như 19 DN đều theo với mức trả giá chênh nhau từ 5% lên 150%.

Đến vòng thứ 11 chỉ còn 4 DN (2 DN có trụ sở tại TP.HCM và 2 DN tại An Giang) tham gia đấu giá đến vòng 32 đã tăng giá lên 1.120%.

Đỉnh điểm là từ vòng 33 đến vòng 45 chỉ còn 2 DN có trụ sở tại TP.HCM là Công ty TNHH TM và Dịch vụ T.S Home và Công ty TNHH Khai thác Vật liệu Trầm Tích tham gia đấu giá.

Lúc này 2 DN này rượt đuổi nhau quyết liệt, đặc biệt là từ vòng 41-45, Công ty TNHH TM và Dịch vụ T.S Home ra giá từ 1.700% vòng 41, lên 1.800% vòng 42, 1.850% vòng 43, 1.900% vòng 4 và 1.951% vòng 45 (Tương đương số tiền 2.811 tỷ đồng) trở thành đơn vị trúng giá. Về vị trí thứ hai Công ty TNHH Khai thác Vật liệu Trầm Tích dừng lại với mức giá là 1.905%.

"Cuộc đấu giá hai mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu diễn ra đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người có tài sản đấu và người tham gia đấu giá. Chính vì vậy mà cuộc đấu giá đã mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước khi 2 DN trúng quyền khai thác 2 mỏ cát nộp trên 3.000 tỷ đồng cho địa phương.

Việc tổ chức đấu giá tài sản tăng cao so với giá khởi điểm nhiều lần là chuyện hết sức bình thường. Vì mục tiêu nhất cao nhất của việc đấu giá tài sản là mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách Nhà nước, mà đấu giá đạt hiệu quả cao thì việc hết sức tốt.

Đây cũng là điều chúng tôi cũng muốn người dân nhìn nhận, thay vì nghĩ đến chuyện cuộc đấu giá thế này thế kia. Vì nếu làm không tốt, các đơn vị đấu giá họ bắt tay nhau, thì kết quả trúng đấu giá chỉ chênh lệch so với giá khởi điểm vài lần là thiệt hại cho ngân sách nhà nước"- bà Châu chia sẻ.

"Theo Luật đấu giá, trong trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá không nộp tiền thì đơn vị sẽ mất tiền cọc.

Tại cuộc đấu giá đơn vị nào trả giá cao nhất mà từ chối kết quả trúng đấu giá (ngay buổi đấu giá, hội đồng chưa lập biên bản) thì người trả giá liền kề giá ít nhất của người trả giá liền kề cộng với số tiền ít nhất bằng với giá người cao nhất đã trả thì mới tính cho người đứng vị trí thứ hai.

Sau khi biên bản của đấu giá đã lập, doanh nghiệp trúng giá "bỏ chạy" thì sẽ tổ chức đấu giá lại. Nên không có trường hợp DN trúng đấu giá tại cuộc đấu giá "bỏ chạy" thì trao quyền khai thác cát cho DN đứng thứ 2"- bà Châu cho biết thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem