VKSND Tối cao kháng nghị điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén.
Thứ nhất, bị can Huỳnh Văn Nén liên tục kêu oan, không nhận tội, mặc dù ông Nén hiểu rõ nếu tiếp tục “kêu” như vậy, ông sẽ bị quy là “không chịu ăn năn hối cải”, nguy cơ phải chấm dứt cuộc đời trong nhà tù.
Thứ hai, sau hơn 16 năm ông Nén thụ án tù giam, Viện KSND Tối cao vẫn mạnh dạn ra kháng nghị, và TAND Tối cao chấp nhận hủy án để điều tra lại. Hiện trường không còn, vật chứng không thu giữ được, 16 năm nhân chứng có còn ai nhớ chuyện năm nào…
Dễ thấy việc điều tra lại chỉ có thể củng cố thêm những tình tiết có lợi cho lời kêu oan của ông Nén - công việc mà lẽ ra các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận phải làm từ 16 năm trước.
Thứ ba, đó là đơn tố giác của một nhân chứng khẳng định thủ phạm là người khác, không phải ông Nén. Đơn này chưa được giải quyết theo đúng thời hạn, thủ tục pháp luật. Và việc kháng nghị để điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén (chính xác hơn là điều tra lại vụ án sát hại bà Bông) chính là cơ hội để xác minh làm rõ đơn tố giác tội phạm của nhân chứng có căn cứ hay không.
Có chứng cứ gỡ tội cho ông Nén!
Đây không phải vụ án quả tang, mà là vụ án truy xét. Theo hồ sơ, tuy ông Nén khai nhận tội, song CQĐT không thu giữ được phương tiện gây án (sợi dây dù dùng để siết cổ bà Bông), cũng không thu giữ được vật chứng vụ cướp là chiếc nhẫn 1 chỉ vàng. Chứng cứ để buộc tội chủ yếu là lời khai nhận tội của ông Nén, nhưng những lời khai này mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn cả với lời khai của các nhân chứng.
Khi lời khai không khách quan, tài liệu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường càng phải được chú trọng. Dấu chân tại hiện trường to nhỏ khác nhau cho phép nhận định thủ phạm có ít nhất hai người. Điều đặc biệt là cả hai dấu chân đó đều không phù hợp với kích thước bàn chân ông Nén. Lẽ ra ông Nén phải được loại khỏi danh sách nghi can ngay từ khi đó!
Câu hỏi đặt ra, vì sao những tình tiết gỡ tội cho ông Nén lại bị dễ dàng bỏ qua? Việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án ông Nén diễn ra vào thời điểm chưa có các Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Với các vụ trọng án ngày đó, CQĐT thường chủ quan, nóng vội, “bắt nhầm hơn bỏ sót”; viện kiểm sát và tòa án hầu như chỉ truy tố, xét xử theo hồ sơ, trọng cung hơn trọng chứng. Chẳng may có người bị hàm oan, cũng hầu như không có cơ chế để giải oan cho họ.
Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn vừa được thực hiện đối với bị can Nén là hết sức cần thiết. Vấn đề dư luận đặt ra: CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận cần khẩn trương xác minh đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Phúc Thành; nếu thấy có căn cứ, cần khởi tố vụ án để điều tra. Theo đúng quy định tố tụng, vụ án đó cần được nhập với vụ án ông Nén. Và lẽ dĩ nhiên, nếu quá trình điều tra không tìm được chứng cứ mới theo hướng cột tội ông Nén, cần đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nén càng sớm càng tốt.
Kiểm sát chặt quá trình điều tra
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Quốc hội sáng 23.10, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan này đang kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra, giải quyết vụ án Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận).Theo ông Bình, hiện Bộ Công an đang tiến hành điều tra lại, làm rõ vụ án. “Họ đang làm tích cực đấy và tôi thấy là hiệu quả”, ông Bình nói.
|
Văn Kiên (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.