Trong cái nắng gay gắt của buổi trưa gần giữa tháng 3, hàng chục chiếc thuyền nan gắn máy, chèo tay của ngư dân Đức Minh lần lượt nối đuôi nhau về làm không khí trên bãi biển nơi đây trở nên rộn ràng.
Sau khi khéo léo đưa chiếc thuyền xuôi theo con sóng chạm vào bãi cát, quẹt vội những giọt mồ hôi quyện với nước biển trên mặt, ngư dân Lê Ngọc Đức (35 tuổi), khoe với vợ: "Hôm nay được gần 4 bao, hơn hôm qua 1 bao".
Bãi biển Đức Minh trở nên nhộn nhịp hơn khi số thuyền cào bắt ốc gạo trở về bến sao 1 buổi ra khơi.
Niềm vui như nhân lên gấp bội khi giá mua tại chỗ hiện đã tăng lên 2 triệu đồng/bao, cao gấp đôi so với khoảng 4 tuần trước đó. Với số ốc gạo bắt được này, sau khi trừ một ít chi phí và chia đều cho 2 người đi cùng, chỉ sau 1 buổi đi cào bắt anh Đức được khoảng 2 triệu đồng.
Dụng cụ cào bắt ốc gạo là một cái vợt dài 5-7m, với vị trí khai thác chỉ cách bờ 1-2 hải lý.
Nói về lý do giá ốc mua giữa mùa bỗng nhiên tăng vọt như hiện nay, bà Đinh Thị Hương (40 tuổi), một thương lái chuyên thu mua ốc gạo tại đây cho biết: "Có thể do năm nay lượng ốc cào bắt được giảm hơn nhiều, chỉ bằng hơn 1/2 so với trước. Nhưng bù lại kích cỡ ốc gạo cào bắt được to hơn, người tiêu dùng ngày càng biết nhiều đến vị thơm ngon của loại ốc này nên tìm mua dẫn đến giá tăng".
Ốc gạo sau khi cào bắt được đổ vào bao (100 kg/bao) và đưa vào bờ bán cho thương lái.
Được biết từ nhiều năm qua, ốc gạo (còn gọi là ốc ruốt) được xem là "lộc" biển đầu năm của hàng trăm ngư dân ở vùng biển này. Vụ cào bắt ốc gạo hàng năm ở vùng biển Đức Minh bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến khoảng tháng 3 Âm lịch thì chấm dứt.
Tuy sản lượng ốc gạo cào bắt được của năm nay chỉ bằng hơn 1/2, nhưng bù lại kích cỡ lại to và giá cao hơn gấp đôi so với vụ trước.
Để bắt ốc gạo, ngư dân dùng một thanh sắt dài khoảng 5-7m để làm vợt cào, với một đầu là những thanh sắt ngắn và được hàn lại thành hình tam giác, rồi bao lưới xung quanh.
Tuy bé như hạt nút nhỏ và thịt bên trong chỉ nhỉnh hơn que tăm và dài cỡ nửa đốt tay người lớn. Bù lại thịt ốc sau khi chế biến (luột) có vị ngọt thanh, béo nhưng không ngậy nên được người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ rất thích (Ảnh: Đăng Sương).
Trung bình, mỗi thuyền máy đi từ 2-4 người/chiếc và số lượng ốc cào bắt được từ 4-5 tạ/chiếc. Sau khi cào bắt lên, ốc gạo được ngư dân đổ vào bao tải và cột miệng lại, đưa vào bờ bán cho thương lái chở đi các nơi trong tỉnh và vùng lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng tiêu thụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.