Khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Quang Trung Chủ nhật, ngày 09/10/2022 15:30 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, có nhiều doanh nhân nổi tiếng bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, quy định và khung hình phạt của tội danh này như thế nào?
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1.

Khoản 1 của Điều 174 quy định, giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ cấu thành tội phạm. Ảnh minh họa.

Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Đặc điểm nổi bật của tội này thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản sẽ không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý về tội danh khác.

Theo bà Thơ, để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người phạm tội sử dụng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ quyền hạn, giả danh các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để thông qua việc ký kết hợp đồng…

Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định, giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ cấu thành tội phạm.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản sẽ không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là tội được thực hiện với lỗi cố ý và thời điểm hoàn thành tội phạm được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản.

Về hình phạt, bà Thơ cho biết, Điều 174 có 4 khung hình phạt, trong đó khung thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp cụ thể.

Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng… sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Mức phạt tù sẽ tăng lê từ 7 đến 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng.

Và mức phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Như vậy, bà Thơ cho biết, sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh là có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy tính chất mức độ, số tiền chiếm đoạt mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem