Khung hình phạt của tội danh nguyên Chủ tịch huyện Đất Đỏ bị khởi tố

Quang Trung Chủ nhật, ngày 30/10/2022 14:59 PM (GMT+7)
Ông Tạ Văn Bửu, nguyên chủ tịch huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cùng hai cán bộ bị cáo buộc sai phạm khi giao đất cho khoảng 200 người. Với hành vi này, nếu bị chứng minh có tội, người vi phạm đối mặt khung hình phạt nào?
Bình luận 0

Nguyên chủ tịch huyện Đất Đỏ bị bắt

Ngày 29/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành quyết định khởi tố đối với 3 người nguyên là cán bộ huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khung hình phạt của tội danh nguyên Chủ tịch huyện Đất Đỏ bị khởi tố - Ảnh 1.

UBND huyện Đất Đỏ, nơi ông Tạ Văn Bửu từng công tác. Ảnh: ND

Những người bị khởi tố gồm các ông: Tạ Văn Bửu (sinh 1959, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ nhiệm kỳ 2015 - 2020), Huỳnh Văn Phi (sinh 1969, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đất Đỏ, đương kim Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện này) và Trần Ngọc Hùng (sinh 1962, nguyên phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đất Đỏ).

Trong đó, ông Bửu và ông Phi bị bắt tạm giam 4 tháng, còn ông Hùng được tại ngoại hầu tra. Những người này bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Những người trên bị cáo buộc sai phạm khi giao đất cho 235 trường hợp trên địa bàn, từng bị Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận vào năm 2020.

Cụ thể, trong các nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, Ban thường vụ Huyện ủy Đất Đỏ chủ trương giao đất có thu tiền nhưng không qua đấu giá cho các lãnh đạo, công chức, viên chức...Tổng cộng 196 lô đất bị giao sai quy định tại Luật Đất đai 2013.

Quy định về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh ông Tạ Văn Bửu, nguyên Chủ tịch huyện Đất Đỏ bị khởi tố được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.

Điều luật này quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng… sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.

Còn nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên sẽ phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm và bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Theo bà Thơ, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trước hết hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, đồng thời xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc và hậu quả rất đa dạng, có thể là những thiệt hại mang tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người…

Khi có hậu quả xảy ra, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.

Từ bình luận trên, vị luật gia cho biết, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà ông Bửu và những người khác có thể đối mặt với các khung hình phạt như đã phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem