Khung hình phạt trong vụ cán bộ công an chống buôn lậu đi buôn lậu
Khung hình phạt trong vụ cán bộ công an chống buôn lậu đi buôn lậu
Quang Trung
Thứ hai, ngày 26/09/2022 09:33 AM (GMT+7)
Hoàng Duy Tiến, bị cáo buộc khi còn là cán bộ Phòng cảnh sát kinh tế đã móc nối thành lập 47 công ty để nhập lậu lượng lớn hàng hóa trị giá hơn 211 tỷ đồng. Với hành vi này, Tiến và các bị can khác bị đề nghị truy tố ở khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 26 bị can về tội "Buôn lậu" theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự.
Trong vụ án này, bị can Hoàng Duy Tiến (37 tuổi, có vai trò chủ mưu, cầm đầu) và Võ Văn Đông (giúp sức tích cực) cùng công tác tại đội 7, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an TP.HCM.
Nhà chức trách cáo buộc, Tiến trong quá trình công tác biết Nhà nước cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyển sản xuất đã qua sử dụng phục vụ sản xuất tại chính doanh nghiệp nhập.
Lợi dụng chính sách này, Tiến thỏa thuận với các chủ hàng nhập thiết bị, máy móc về Việt Nam cho họ qua các công ty mình thành lập. Chủ hàng phải trả cho Tiến 78 đến 90 triệu đồng trên mỗi container hàng nhập, còn Tiến chịu trách nhiệm lót tay cán bộ kiểm hóa của Hải quan và chi phí khác.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2021, Tiến và đồng phạm đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45/47 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.280 container hàng, với tổng trị giá hơn 211 tỷ đồng.
Để che giấu hành vi của mình, mỗi lần thông quan, Tiến chỉ đạo nhân viên sử dụng một pháp nhân công ty khác nhau.
Để thực hiện việc buôn lậu, Tiến thuê một số người đứng ra thành lập 47 công ty và sử dụng pháp nhân của những doanh nghiệp này để làm thủ tục nhập khẩu, thông quan và giao dịch.
Cán bộ công an chống buôn lậu đi buôn lậu, khung hình phạt thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ án nghiêm trọng cho thấy sự suy thoái về tư tưởng đạo đức của một số cán bộ về quản lý kinh tế, có trách nhiệm trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế.
Việc cơ quan chức năng phát hiện, xử lý những vụ án như thế này sẽ tạo được sự đồng lòng của dư luận và cho thấy quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Theo ông Cường, với số hàng hóa buôn lậu rất lớn, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội, các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội "Buôn lậu" quy định tại khoản 4, Điều 188 Bộ luật hình sự với chế tài từ 12 đến 20 năm tù.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ dựa trên cơ sở tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, ông Cường nêu quan điểm, theo kết quả điều tra, để đủ điều kiện nhập khẩu, Tiến chỉ đạo nhân viên chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa trên hồ sơ, làm giả, lập khống nhiều giấy tờ.
Cán bộ công an này còn móc nối với Công ty Cổ phần giám định Đại Minh Việt, lập các biên bản giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống, cung cấp cho Hải quan.
Như vậy, nếu đủ căn cứ, ngoài tội buôn lậu đã bị khởi tố, các đối tượng trong vụ án này còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức" quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.
"Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội sẽ là tình tiết để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị can trong vụ án này. Trong trường hợp bị xử lý về nhiều tội danh, khi giải quyết vụ án, nếu đủ căn cứ để kết tội, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo quy định của pháp luật" – vị chuyên gia thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.