Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Văn Thiệp (59 tuổi), Giám đốc Trung tâm y tế TX.Nghi Sơn (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa), để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Bị can Nguyễn Văn Thiệp (áo trắng) khai nhận tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Thanh Hóa.
Theo kết quả điều tra, từ ngày 21/8/2021 đến 15/10/2021, với cương vị là Giám đốc Trung tâm y tế TX.Nghi Sơn, ông Thiệp đã chỉ đạo nhân viên và một số người ngoài cơ quan lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật PCR.
Mức thu tiền mẫu đơn là 734 nghìn đồng/mẫu và mẫu đôi là 900 nghìn đồng. Hình thức chỉ xét nghiệm theo quy định thời điểm đó là thực hiện xét nghiệm mẫu đơn, hoặc mẫu đôi.
Tuy nhiên, sau khi lấy xong mẫu, ông Thiệp đã chỉ đạo thực hiện xét nghiệm gộp 5 mẫu xét nghiệm 1 lần.
Số tiền chênh lệch thu được từ quá trình xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật PCR từ mẫu đơn, mẫu đôi sang mẫu gộp (5 mẫu 1 lần) ông Thiệp đã chiếm đoạt sử dụng. Tuy nhiên, Công an tỉnh Thanh Hóa chưa công bố số tiền cụ thể là bao nhiêu.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn.
Hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao có thể là làm không đúng, không đầy đủ, không kịp thời, trái với quy định của Nhà nước hoặc điều lệ công tác.
Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trước hết hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức đồng thời xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra.
Theo luật sư Hòe, làm trái công vụ là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này. Nếu người phạm tội không làm trái công vụ mà làm đúng nhưng vẫn gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ không cấu thành tội phạm này mà tùy trường hợp cấu thành tội phạm khác.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình, cho người khác hoặc cho một nhóm người nào đó. Động cơ cá nhân khác có thể là củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất.
Về hình phạt, vị luật sư cho biết, Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 quy định 3 khung hình phạt chính với tội lợi dụng chức quyền hạn trong thi hành công vụ.
Cụ thể, nếu người phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Nếu người phạm tội phạm tội có tổ chức, phạm tội 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200 đến dưới 1 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Trong khi đó, nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Như vậy, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ, tùy số tiền đã chiếm đoạt mà ông Thiệp có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.