Mùa mưa năm nay, nhiều hộ gia đình tại tỉnh Đắk Lắk mua giống tiêu lạ về trồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã khuyến cáo, các hộ gia đình cẩn thận khi sử dụng giống tiêu lạ để tránh rủi ro, thiệt hại.
Theo các đơn vị chức năng, giống tiêu lạ này thực chất là cây trầu không Nam Mỹ (Piper Colubrinum link) hay còn gọi là tiêu rừng Amazon, là loài thân dây leo, sống trong rừng, có khả năng chịu ẩm cao.
(Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN)
Giống tiêu này chưa được kiểm chứng về năng suất, chất lượng sản phẩm, nguồn gốc. Tuy nhiên, theo các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh, mức độ tiêu thụ giống tiêu lạ trong mùa mưa này khá lớn. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống phải hẹn với khách hàng quay trở lại lấy giống sau một tháng vì chưa đáp ứng đủ nguồn cung.
Trong khi đó, giá bán của giống tiêu lạ này khá cao, từ 35.000-40.000 đồng/cây, gấp 9-10 lần so với giống tiêu nội. Khách hàng tiêu thụ giống tiêu lạ này chủ yếu là đồng bào các dân tộc ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của các huyện Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Pắk, Cư Kiun.
Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể cho bà con về quy mô trồng. Theo đó, cơ quan này cho rằng, tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, vốn đầu tư lớn. Do vậy, đồng bào chỉ nên trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ để so sánh, đối chứng tránh thiệt hại lớn khi xảy ra sự cố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động đồng bào tập trung vốn, đầu tư chăm sóc các vườn tiêu truyền thống một cách bền vững. Bà con nên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế phân hoá học, trồng đúng mật độ, theo từng vùng quy hoạch, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để năng suất, sản lượng tiêu đạt cao, tăng thu nhập cho đồng bào.
>> XEM THÊM: Tù mù mua giống, dân Tây Nguyên đổ xô trồng “tiêu lạ”
Tin tức Nông nghiệp (Theo Tin tức Nông nghiệp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.