“Khuyến khích” chạy theo bằng cấp

Thứ năm, ngày 11/07/2013 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chính sách chiêu hiền đãi sĩ chỉ chú trọng đến vật chất sẽ tạo những khuyến khích xấu làm cho tình trạng chạy theo bằng cấp, chạy chức vụ, vốn đã rất trầm trọng ở Việt Nam, càng thêm trầm trọng hơn.
Bình luận 0

Mấy ngày qua, báo chí bàn tán sôi nổi về mức lương Hà Nội sẽ trả cho các tiến sĩ bằng 20 lần lương tối thiểu. HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về chính sách trọng dụng nhân tài, theo đó khoản 20 lần lương tối thiểu chỉ là khoản hỗ trợ một lần. Còn có các khoản ưu đãi khác như hỗ trợ đi học với mức 1,5 lần lương tối thiểu, bảo vệ luận văn thạc sĩ 30 lần lương tối thiểu, bảo vệ luận văn tiến sĩ 80 lần lương tối thiểu và vân vân.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ còn cho rằng, cán bộ do Thành uỷ Hà Nội quản lý đã có trên 30% là tiến sĩ, thạc sĩ nên việc đạt 50% tiến sĩ vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi. Thậm chí năm 2009 đã có kế hoạch 100% cán bộ do Thành uỷ Hà Nội quản lý sẽ có bằng tiến sĩ. Chiêu hiền đãi sĩ là việc tốt nhưng có vẻ như nó bị hiểu lệch lạc. Tiền lương, các khoản hỗ trợ dẫu cũng quan trọng nhưng không phải là biện pháp chính.

Họ có được coi trọng, có được lắng nghe hàng ngày, các sáng kiến của họ có được xem xét hay không, môi trường làm việc có kích thích sự sáng tạo hay không... mới là những vấn đề cốt lõi của việc chiêu hiền đãi sĩ. Các khoản 20 lần, 30 lần, thậm chí 80 lần lương tối thiểu nghe có vẻ to nhưng thực sự đâu có lớn. Và sao lại cứ khuyến khích người ta chạy theo bằng cấp đến vậy? Một công chức chẳng cần có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng hoàn thành công việc một cách mẫn cán, sáng tạo đều cần khuyến khích, trọng dụng và được đãi ngộ tử tế cả về vật chất.

Trừ những người làm việc trong các ngành nghiên cứu khoa học có thể cần đến bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Công chức không cần có bằng thạc sĩ và hiển nhiên không cần là tiến sĩ. Tuyển dụng, đào tạo công chức thành thạc sĩ, tiến sĩ là một sự lãng phí xã hội lớn. Họ là các công chức, chứ không phải các nhà nghiên cứu! Sự lẫn lộn này rất nguy hiểm và việc đưa ra chính sách khuyến khích chạy theo bằng cấp như vậy không những không trúng mà còn có thể làm cho bộ máy méo mó và có hệ quả xấu đối với việc quản lý nhà nước.

Hãy tạo điều kiện cho các cơ sở nghiên cứu làm việc đó. Việc khuyến khích cán bộ công chức làm thạc sĩ, tiến sĩ tuyệt nhiên không phải là việc của bất cứ chính quyền địa phương nào. Thế mà Hà Nội hiện có 30% số người do Thành ủy quản lý đã có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Có ai nghiên cứu nghiêm túc về các ông bà thạc sĩ, tiến sĩ ấy trong công sở làm những việc gì và những việc ấy có phải là việc nghiên cứu của một thạc sĩ hoặc tiến sĩ hay không. Nếu có, chắc chắn kết quả là hết sức tiêu cực. Hãy đừng khuyến khích chạy theo bằng cấp, nhất là các vị lãnh đạo, vì họ phải làm gương cho dân chứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem