Từ cuối năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 50 chủ tàu đăng ký neo đậu và lưu trú trên đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Đảo Song Tử Tây vừa hoàn thành dự án Làng Chài, với âu tàu có sức chứa khoảng 100 tàu cá các loại có công suất đến 400CV và đảm bảo cho khoảng 300 ngư dân lưu trú trên đảo. Không chỉ được neo đậu tàu thuyền, ngư dân còn được đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, sinh hoạt cộng đồng khi vào trú ngụ, neo đậu trong âu tàu. Do vậy, dù thời gian âu tàu và các dịch vụ ở đây đưa vào khai thác, đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng đã trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh, giúp bà con tăng thời gian bám biển đánh bắt, tiết kiệm chi phí của từng chuyến biển.
Khu làng chài dành cho ngư dân ăn ở, lưu trú tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: NGÔ VĂN HƯNG
Ngư dân Trần Anh, chủ tàu QNg 90157, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), hành nghề câu mực ở Trường Sa cho biết: “Tàu câu mực của chúng tôi thường ở ngoài biển rất dài ngày, có khi kéo dài đến 3 tháng. Vì vậy, tôi mới đăng ký neo đậu, lưu trú tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để ghé vào nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục vươn khơi. Nhất là khi thời tiết bất lợi, hoặc khi cần thêm lương thực, nước uống...”
Không chỉ khuyến khích ngư dân neo đậu tàu thuyền tại các làng chài tại quần đảo Trường Sa như Song Tử Tây, Tốc Tan, Núi Le..., Nhà nước còn có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ngư dân nuôi trồng thủy sản ở Trường Sa để tạo điều kiện tối đa cho ngư dân khi muốn sinh sống, lưu trú lâu dài tại các đảo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá ở các âu tàu, làng chài trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn chưa thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của ngư dân. Đây cũng là lý do, khiến bà con ngư dân chỉ ghé đến “tạm trú” vài ngày, chứ chưa thể lưu trú dài hạn.
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Chánh (Bình Sơn) Huỳnh Trọng Thân cho biết: “Theo ngư dân kiến nghị, để bà con lưu trú lâu dài thì khi đánh bắt hải sản xong, các đảo phải thực hiện được dịch vụ thu mua sản phẩm của ngư dân tại đảo và vận chuyển vào bờ tiêu thụ giúp ngư dân, nhưng đến nay, bà con ngư dân vẫn chưa được hỗ trợ dịch vụ này nên phải trở vào đất liền để bán hải sản. Ngoài ra, một vài dịch vụ sửa chữa máy, làm nước tàu... đội sửa chữa trên đảo vẫn chưa đáp ứng được, nên rất khó để bà con ngư dân có thể lưu trú dài lâu tại đảo”.
Ông Ngô Văn Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nhằm khuyến khích ngư dân neo đậu tàu thuyền, lưu trú dài ngày tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Chi cục đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền đến bà con ngư dân. Song, hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh đều lựa chọn đăng ký neo đậu hoặc lưu trú ngắn hạn theo kiểu dừng chân nghỉ ngơi một vài ngày, chứ chưa có ngư dân nào đăng ký ở lâu dài. Cũng theo ông Hưng, để các làng chài trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thật sự thu hút được ngư dân đến ở, sinh sống, những kiến nghị của ngư dân về chính sách thu mua hải sản, về dịch vụ hậu cần nghề cá tại các làng chài... là vấn đề rất cần các cấp có thẩm quyền quan tâm, lưu ý.
Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.