Miếng cơm và nước mắt ở làng lặn biển Xuân Hòa

Quỳnh Nga - Lam Khê Thứ bảy, ngày 25/02/2017 06:21 AM (GMT+7)
Vào tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngư dân hành nghề lặn biển ở thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại chuẩn bị cho những chuyến ra khơi đắm mình dưới đáy biển sâu lặn bắt hải sản… Nghề này đưa lại cho họ bát cơm hàng ngày nhưng cũng lấy đi nhiều nước mắt.
Bình luận 0

Đánh cược sinh mạng dưới biển sâu

Theo lời giới thiệu của ngư dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Hữu Sơn (SN 1966) - người có tuổi nghề gần như lâu nhất ở xóm chài này. Thấy chúng tôi đến, ông bước từng bước chân khó nhọc rót nước mời, rồi kể về câu chuyện cuộc đời mình: Năm 1985 ông đi nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ thì trở về quê theo mấy anh em học nghề lặn. Năm 1992, một số người trong làng vào biển Phan Thiết lặn để bắt hàu, nhiều người giàu lên nhờ đi lặn, thế là mọi người kéo nhau đi Phan Thiết lặn biển.

img

 Ông Trần Hữu Sơn cùng bộ nghề lặn biển thô sơ. Q.N

Nghề lặn biển theo thời gian đã trở thành nghề truyền thống của ngư dân Xuân Hòa. Những sản vật từ lòng biển đã mang lại bát cơm cho họ hàng ngày,  nhưng cùng với đó là biết bao câu chuyện về người vợ mất chồng, cha mất con và cả nỗi buồn của những người thợ lặn suốt đời mang thương tật cùng niềm mong mỏi “không muốn con nối nghiệp cha”... 

“Trong đó làm cực lắm, khi nào cũng lặn xuống sâu dưới đáy biển 20-30m tìm hàu. Hàu lệ thời đó giá cao, mỗi tháng chăm chỉ  tôi cũng được 20 đến 30 triệu đồng. Sau nhiều năm theo nghề lặn biển, sức khỏe giảm sút, chân tay tê tái, tôi đi khám ở nhiều bệnh viện. Bác sĩ nói do tôi lặn nhiều bị sức ép nước làm tổn hại đến não và các dây thần kinh nên bị liệt chân khó điều trị. Tôi đi  chữa trị khắp từ Bắc vào Nam rồi nhưng vẫn không cải thiện được mấy, bây giờ đành chấp nhận sống với bệnh tật” - ông Sơn kể.

Cũng giống ông Sơn, anh Trần Hữu Anh (SN 1971) bắt đầu đi lặn từ năm 20 tuổi: “Làm cái nghề “người trần gian làm việc âm phủ” cũng sợ lắm, nhưng vì dân ở biển hoàn cảnh khó khăn nên không bỏ được”. Câu chuyện trở nên đứt quãng khi anh nói về thương tích của mình: “Vào nghề lặn được 8 năm thì hàu ở quê bán được giá, anh em kéo nhau về quê và đi hành nghề ở vùng biển phía bắc. Trong một lần đang lặn ở đảo Bạch Long Vỹ ở độ sâu khoảng 15m, mới xuống biển được khoảng 15 phút thì chân tui tê tê sau đó chuyển dần đến bụng, tui vội vàng ngoi lên mặt nước. Lênh đên trên biển hơn 10 ngày tui mới được các anh em đưa vào bờ. Dù được vợ con đưa ra Hà Nội điều trị nhưng nhưng đã quá muộn giờ phải mang thương tật liệt chân suốt đời”- anh Hữu Anh tâm sự.

Không thể kể hết những nỗi đau, mất mát từ nghề lặn biển đem lại. Ông Trần Công Tiến- Trưởng thôn Xuân Hòa cho biết: Cứ đến mùa lặn, cả thôn có gần 200 người theo nghề nguy hiểm này, chủ yếu là thanh niên trai tráng. Nghề lặn mang lại thu nhập cao, nhưng cũng để lại nhiều hậu quả, ngoài những người bị thương tật suốt đời thì cũng không ít người phải bỏ mạng, trong đó thương tâm nhất là em Trần Hữu Thuật.

Tháng 8.2016, Thuật đang là sinh viên Trường Đại học Mỏ- Địa chất tại Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ bệnh nặng, không có tiền học nên Thuật phải tạm nghỉ học về quê theo người dân đi lặn biển kiếm tiền với mong quay lại giảng đường. Trong lúc đi lặn tại khu vực cửa biển Lạch Kèn (thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), gặp sự cố khi thuyền dời đi khiến vòi ôxy bị ngập dẫn đến Thuật bị ngạt thở và tử vong.

Không muốn con cháu nối nghề

Câu chuyện về những người lặn biển sẽ không bao giờ có hồi kết, khi mỗi chuyến ra khơi của những người thợ lặn chỉ được trang bị “đồ hành nghề” thô sơ như kính lặn, 150m dây hơi, đồ bơi nhái, chân vịt, vợt lưới. Để ở lâu dưới biển, họ còn phải mang trên mình từ 15-20kg chì. Họ không có điều kiện để mua sắm những thiết bị lặn đúng tiêu chuẩn, không có những bộ chỉnh áp và thở oxy dưới nước theo quy định. Trong khi đó, việc điều chỉnh áp suất là vô cùng quan trọng. Hầu hết những vụ tai nạn biển của thợ lặn đều do việc mất cân bằng áp suất. Đã nếm trải hết những mất mát từ nghề lặn mang lại, ông Sơn hay anh Anh đều mang một nỗi niềm chung đó là không muốn cho con theo nghề cha.

“Tôi đã phải thuyết phục mãi con tui mới chịu ra Hà Nội học nghề cơ khí, chứ  nó ở nhà là đi lặn theo người dân trong làng. Nhiều lần nó cứ muốn bỏ học để về đi lặn kiếm tiền chữa bệnh cho tôi, nhưng tôi không cho. Khuyên mãi nó mới nghe ra trường học, tuy nhiên ra được năm bữa nửa tháng nó lại mò về theo mấy tụi nhỏ đi lặn, tôi lo lắm” - anh Trần Hữu Anh cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem