Khuyến khích tổ chức, cá nhân lo Tết cho người nghèo

Thứ hai, ngày 27/12/2010 15:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chính phủ không đủ kinh phí để cấp phát hàng năm cho tất cả người nghèo ăn Tết. Muốn lo cho người nghèo có Tết, phải vận động từ những người thân trong họ hàng, chòm xóm rồi mới đến xã hội”.
Bình luận 0

Bà Hà Thị Liên (ảnh) - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) trao đổi với NTNN.

img
Bà Hà Thị Liên

Thưa bà, Tết Tân Mão 2011 năm nay, MTTQ có những hoạt động gì để hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết?

- Mỗi khi đến Tết Nguyên đán, Ủy ban Trung ương MTTQ đều có chỉ đạo MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai các hoạt động để chăm lo Tết cho người nghèo. Việc hỗ trợ cho đồng bào nghèo ăn Tết có 3 nội dung chính.

Thứ nhất, các tổ chức thành viên của MTTQ như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nghề cá… tổ chức vận động, giúp đỡ cho chính hội viên của mình có được thực phẩm, quần áo, thậm chí là sửa sang nhà cửa để đón Tết.

Thứ hai, MTTQ bằng nhiều cách kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thành đạt, sản xuất kinh doanh có lãi trong năm. Tiền đóng góp của các doanh nghiệp này sẽ được chúng tôi tập hợp và chia thành các phần quà nhỏ để đi chúc Tết người nghèo.

Thứ ba, chúng tôi sẽ trích một phần trong Quỹ Vì người nghèo để tặng người nghèo. Những phần quà như vậy chủ yếu cổ vũ, động viên những cá nhân tổ chức khác cùng tham gia lo Tết cho người nghèo.

Năm nay, Chính phủ có trích ngân sách hỗ trợ người nghèo ăn Tết không?

- Tết Nguyên đán 2009, Chính phủ đã cấp cho mỗi một người nghèo 200.000 đồng, một hộ nghèo tối đa không quá một triệu đồng. Nhưng từ đấy đến nay chưa thấy thực hiện nữa; năm nay cũng chưa có thông tin gì.

Tuy nhiên, các đối tượng gia đình chính sách, hộ đặc biệt khó khăn thì Tết hàng năm vẫn nhận được hỗ trợ bằng gạo từ Chính phủ hoặc các địa phương. Sự hỗ trợ này là không thể phủ kín được đến tất cả các gia đình của hộ nghèo. Hàng năm, MTTQ có trách nhiệm phối hợp và giám sát thực hiện hoạt động này.

Ngay cả phần quà của MTTQ cũng chỉ còn ở mức khiêm tốn, tối đa khoảng 300 nghìn đồng/suất. Có ý kiến nói rằng, trong bối cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay và diện hỗ trợ không được rộng rãi, người nghèo không quá hào hứng với những phần quà Tết. Bà nghĩ sao về điều này?

- Nếu muốn hỗ trợ tất cả những người nghèo ăn Tết thì ngân sách của Chính phủ không thể thực hiện được thường xuyên mà phải căn cứ vào tình hình mỗi năm. Ngay cả các kênh MTTQ cũng không thể phủ hết tất cả những người có hoàn cảnh khó khăn.

Có điều, như trên đã nói, những suất quà Tết của chúng tôi đưa đi trao chủ yếu là mang tính tượng trưng; một mặt để động viên người nghèo; một mặt để khuyến khích các cá nhân tổ chức khác cùng tham gia vào việc lo cái Tết cho người nghèo. Và cái này là mục đích quan trọng nhất.

Những năm qua, vẫn còn hiện tượng một số nơi không tích cực trong việc giải quyết các chế độ, hoặc chậm trễ hỗ trợ người nghèo ăn Tết. MTTQ giám sát việc này như thế nào?

- Tết Kỷ Sửu (2009), Chính phủ quyết định cấp phát tiền cho người nghèo ăn Tết có phần muộn. Tuy nhiên, chính sự vào cuộc không tích cực, thiếu trách nhiệm của các địa phương đã dẫn đến sự chậm trễ, thậm chí là sai cả đối tượng được cấp phát. Đó là một điều đáng trách, là khuyết điểm. Tuy nhiên, số lượng những địa phương, cán bộ như vậy là rất ít và đã được khắc phục dần.

Xin cảm ơn bà!

Người nghèo được Chính phủ, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để ăn Tết mà cán bộ xã để lại sau Tết mới phát hoặc phát sai đối tượng thì không còn ý nghĩa gì nữa. Người lãnh đạo địa phương để xảy ra việc này là chưa làm tròn trách nhiệm trước dân. Tình cảm người cán bộ đối với nhân dân, với những người nghèo khổ không cho phép làm như vậy.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem