Kì bí gươm thần và cuốn sách tiên tri nơi đại ngàn Trường Sơn

Thứ sáu, ngày 03/02/2012 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thanh gươm biết chỉ dẫn đúng sai, phải trái; cuốn sách cổ biết rõ chuyện được- mất, chuyện quá khứ - tương lai... là hai báu vật mà người Mày, người Khùa nơi đại ngàn Trường Sơn tôn sùng, thần kính.
Bình luận 0

Người Mày và người Khùa sống tập trung ở hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) - những nơi được coi là vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

img
Cuốn sách quý được làm từ lá cây rừng.

Bảo bối gia truyền

Theo chân Hồ Vóc - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Dân Hóa, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Pom ở bản Hà Vi, cách trung tâm xã vài cây số. Ông Hồ Pom là chủ nhân của thanh gươm có nhiều phép lạ mà dân bản bao năm nay vẫn thường sùng kính.

Theo đó, ở bản, bất kỳ ai gặp chuyện gì khó xử, khó nghĩ, khó giải đáp thì đều đến nhờ sự phân giải của thanh gươm. Thậm chí, khi làm bất cứ việc gì lớn lao nhưng còn đang phân vân, do dự người ta cũng viện tới thanh gươm, để sức mạnh siêu nhiên của nó chỉ lối, mách đường xem có nên làm hay không. Khi có người cậy nhờ, ông Hồ Pom sẽ "làm phép" gọi "ma mút" về nhập vào thanh gươm để phân xử công việc.

Nhà ông Hồ Pom nằm ở đầu bản Hà Vi, chênh chênh nơi chân núi. Tuy có tới 6 người con nhưng ông ở một mình, chẳng mấy khi giao tiếp với ai. Càng bí ẩn hơn là từ ngày đứa con trai thứ 4 của ông bỗng dưng đổ bệnh rồi lăn ra chết, ông ít ra ngoài. Người ta bảo, khi có con ruột chết thì trong vòng 3 năm "ma mút" trong nhà sẽ bỏ về núi không tài nào giữ được.

Khi nghe cán bộ Hồ Vóc giới thiệu chúng tôi là nhà báo, muốn tận thấy việc ông biểu diễn phép thuật bằng thanh gươm quý, ông lắc đầu nguầy nguậy.

Ông bảo, từ đời ông cố, rồi đến đời cha, đời ông chưa từng có việc đó xảy ra. "Không thử được đâu, "ma mút" không nghe đâu, chỉ có người thật sự có nhu cầu mới làm được! Nếu cố tình làm, "ma mút" nổi giận là khổ đấy! Không được đâu!".

Vừa hốt hoảng nói ông vừa xua tay từ chối. Theo ông Hồ Pom thì thanh gươm này dòng họ ông lấy từ bên Lào. Chẳng biết nó từ đời nào nữa, chỉ biết nó được truyền lại trong họ từ đời này qua đời khác.

Tiên tri siêu hạng

Nể cán bộ Hồ Vóc, ngại chúng tôi lặn lội từ xa tới, sau một hồi lưỡng lự ông mới vào buồng lấy thanh gươm đó ra cho chúng tôi xem.

Thanh gươm nặng chừng 1 cân, dài hơn nửa mét, được nhét trong chiếc vỏ làm từ da trâu nhẵn bóng. Lưỡi gươm sắc lẹm, cảm tưởng có thể ngọt lịm cắt phăng bất cứ chướng ngại vật nào. Ông Hồ Pom bảo, từ khi nhận thanh gươm từ tay cha ông tới nay, ông chưa một lần phải mài lưỡi gươm nhưng nó vẫn cứ sắc lạnh.

img
Ông Hồ Pom diễn tả cách làm phép để thanh gươm dựng đứng trong bát gạo.

Trước khi nhắm mắt về với Giàng, cha ông đã truyền dạy cho ông lời chú để gọi "ma mút" nhập vào lưỡi gươm. Bài chú ấy ở đây chỉ mình ông biết và nó là bí mật của dòng họ. Muốn gọi mời "ma mút", người làm lễ phải chuẩn bị 4 chum rượu cần, một chiếc đầu lợn hoặc một con gà. Tất cả được biện ra sàn nhà, đối diện chiếc mâm có để bát gạo con đầy, cùng những cây nến được nặn từ sáp ong.

Khi lễ vật đã biện xong, ông Pom vào buồng lấy thanh gươm quý ra đặt lên mâm và ngồi khoanh chân trước mặt người có việc muốn hỏi. Nến được thắp lên, khi lửa cháy đều thì ông bắt đầu nhắm mắt lẩm bẩm đọc chú hệt như những đạo sĩ vẫn thấy trên phim ảnh.

Đọc chú xong, ông tuốt gươm ra, huơ huơ mấy đường rồi từ từ cắm mũi gươm xuống mép bát gạo. Khi tay vẫn còn giữ chặt thân gươm, ông lại nhắm nghiền mắt và lại lầm rầm đọc chú. Chừng gần phút sau, khi câu chú cuối cùng vừa dứt thì cũng là lúc ông buông tay khỏi thanh gươm. Lẽ thường, nếu buông tay, đương nhiên thanh gươm sẽ đổ bởi những hạt gạo tơi rời trong bát không thể giữ cho thanh gươm đứng thẳng.

Thế nhưng, vô cùng kỳ lạ, nếu "ma mút" đồng ý việc người đối diện thỉnh cầu thì thanh gươm sẽ đứng thẳng hệt như có bàn tay vô hình nào nâng giữ. Ông Hồ Pom bảo, chỉ có những việc cực kỳ quan trọng người trong bản mới phải xin ý kiến "ma mút" qua thanh gươm này.

Cuốn sách nhìn thấu tương lai

Rời nhà ông Hồ Pom, chúng tôi ngược ra bản Y Leng, tìm lên nhà ông Hồ Kết, người đang sở hữu những cuốn sách có khả năng tiên tri lạ lùng. Ông Hồ Kết năm nay đã 96 tuổi, nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa. Tuy đã ở gần ngưỡng bách niên nhưng ông Kết còn khỏe mạnh lắm. Cầu thang nhà sàn chênh vênh nhưng ông vẫn lên xuống thoăn thoắt.

Cuốn sách thần bí có khả năng tiên tri kỳ lạ ông được thừa hưởng từ một pháp sư cao tay ở mãi bên Lào. Ông kể, thời gian đó, giặc Pháp vẫn thỉnh thoảng lùa quân lên vùng này càn quét. Cứ mỗi lần như vậy, cả bản ông lại rồng rắn kéo nhau sơ tán ở bên kia biên giới.

Và, trong một lần chạy loạn đó, ông đã vô tình gặp được một người Lào có nhiều khả năng đặc biệt. Người này có thể nhúng tay vào nồi nước đang sôi, lè lưỡi liếm lưỡi dao đã được nung hồng rừng rực. Đặc biệt, bằng khả năng dị thường của mình, người này có thể biết được chuyện quá khứ, tương lai khi chỉ nhìn vào cuốn sách được làm bằng lá cây rừng.

Ngạc nhiên, kinh hãi trước những khả năng siêu phàm đó, ông đã tình nguyện ở lại nhà người này với hy vọng ông ta sẽ truyền cho mình những bí quyết siêu nhiên, lạ lẫm đó. Sau 5 năm mòn mỏi sống nơi đất khách quê người, không phụ sự kiên trì của ông, người này đã tặng ông cuốn sách bằng lá cây đó và tận tình chỉ dạy cho ông cách thức khi đọc những điều tiên tri trong sách.

Khi trở về quê cũ, có cuốn sách thần bí trong tay, ông đã nổi tiếng khắp vùng. Dân bản hễ có băn khoăn gì về tương lai đều đến cậy nhờ ông xem giúp, đặc biệt là những việc liên quan tới chuyện mất mát tài sản. Việc này thì nhiều cán bộ xã, cán bộ biên phòng đang công tác ở đây đều thừa nhận khả năng lạ thường từ cuốn sách bí hiểm này.

Tuổi này, khi ngày về với Giàng cũng không còn xa nữa, Hồ Kết lại chẳng biết trao lại bảo bối đó cho ai. Các con ông không biết chữ Lào, lại chẳng đủ kiên nhẫn để học cách thức xem những hình vẽ, những mật mã loằng ngoằng trong sách nên bảo vật ấy có quý đến đâu cũng là thứ vô tri. Ông bảo, có lẽ khi về với đất, ông sẽ đem theo cuốn sách cùng những bí kíp lạ lùng mình đã dày công học được.

Theo đó, không biết do trùng hợp ngẫu nhiên hay do một khả năng khác thường nào nữa mà rất nhiều lần, sau khi xem sách, ông Hồ Kết có thể phán chắc như đinh đóng cột là món đồ mà ai đó mất có thể tìm lại được hay không. Những món đồ ấy có thể là con trâu, con lợn, cái bàn, cái ghế, thậm chí chỉ là chiếc chìa khóa bé xíu bị bỏ quên hay rơi vãi ở tận những nơi xa lắc xa lơ.

Cuốn sách ông Hồ Kết nhận được từ tay thầy mình được viết bằng chữ Lào trên lá cây rừng cán mỏng. Những trang sách được đục lỗ rồi xuyên bằng dây và ép vào nhau nhờ hai thanh gỗ làm bìa. Không biết người ta đã tẩm ướp thế nào mà suốt mấy chục năm cuốn sách đó vẫn không bị mục nát, hư hỏng. Lật giở những trang sách lạ lùng ấy, ông Kết bảo, căn cứ vào những gì ghi trong sách thì việc tìm lại tài sản đã mất không đơn giản chút nào.

Theo đó, người bị mất tài sản phải nhớ được khoảng thời gian mất. Mỗi một đồ vật, con vật bị thất lạc đều có những ngưỡng thời gian khác nhau, nếu vượt quá ngưỡng quy định đó thì phép màu hết thiêng, không thể đoán biết có tìm thấy hay không được.

Ông Hồ Kết coi cuốn sách là tài sản vô giá của mình. Ngày trước, có một người giàu có trong xã đến gạ ông đổi hẳn 3 con trâu mộng nhưng ông đã khước từ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem