Truyền thuyết thần gió Susanoo tiêu diệt mãng xà 8 đầu.
Kusanagi-no-Tsurugi là một thanh kiếm huyền thoại của Nhật Bản. Vũ khí này là một trong Tam Chủng Thần Khí (ba báu vật thần thánh) của Nhật Bản, và được cho là biểu tượng cho đức tính dũng cảm.
Hai báu vật còn lại là chiếc gương Yata-no-Kagami biểu tượng cho trí khôn và viên ngọc Yasakani no Magatama biểu tượng cho lòng nhân từ.
Ở thời phong kiến, Kusanagi được coi là vũ khí thể hiện quyền lực, khẳng định sự cai trị hợp pháp của thiên hoàng Nhật. Nhưng báu vật này hiện giờ đang được cất giữ ở đâu?
Truyền thuyết mãng xà 8 đầu
Câu chuyện về Kusanagi-no-Tsurugi bắt đầu với một con rắn 8 đầu trong truyền thuyết gọi là Yamata no Orochi.
Trong những năm tháng hoành hành, Yamata no Orochi tấn công một gia đình Nhật, ăn thịt 7 người con gái trong gia đình trong 7 năm. Người cha trong nỗ lực cuối cùng đã kêu gọi được kiếm sĩ tài ba cũng là thần gió Susanoo để tiêu diệt Orochi.
Susanoo ban đầu tấn công trực diện vào con quái vật nhưng thất bại. Người cha sau đó tỏ ý muốn gả con gái cuối cùng của mình nếu Susanoo đánh bại được con rắn.
Thần Susanoo giết con rắn Yamata no Orochi.
Chấp nhận thử thách, thần gió Susanoo dùng đến những chiếc bát rượu gạo khổng lồ để nhử 8 đầu rắn. Sau khi con rắn ăn no say và nằm ngủ, Susanoo âm thầm chặt từng cái đầu một của nó bằng thanh kiếm của mình. Susanoo còn chặt đứt đuôi rắn để đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ quay trở lại.
Đó cũng là lúc Susanoo tìm thấy thanh kiếm Ame-no-Murakumo-no-Tsurugi (Thiên tùng vân kiếm) – tên gọi ban đầu của Kusanagi, ẩn trong đuôi rắn. Thanh kiếm này sau này đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Nhật Bản.
Trở thành biểu tượng của thiên hoàng Nhật
Thần Susanoo không giữ thanh kiếm lâu. Bản thân Susanoo cũng đang phải chịu hình phạt và bị trục xuất khỏi thiên đình. Truyền thuyết Nhật kể rằng Susanoo đưa thanh kiếm cho em gái tên Amaterasu, nhằm tạo mối quan hệ tốt đẹp và cũng là để chấm dứt tình cảnh tha hương của mình.
Vì thiên hoàng được phác họa là hậu duệ của Amaterasu, vị thần Mặt trời và vũ trụ nên thanh kiếm này cũng gắn liền với hoàng tộc Nhật Bản qua các thế hệ.
Ngôi đền Atsuta được cho là nơi lưu giữ thanh kiếm báu Kusanagi-no-Tsurugi.
Ở thời đại thiên hoàng thứ 12 (năm 70-130), Yamato Takeru, con trai của hoàng đế Keikō sở hữu thanh kiếm.
Trong một lần đi săn, Takeru bị kẻ thù phóng hỏa thiêu đốt lớp cỏ khô xung quanh. Ông sử dụng thanh kiếm để cắt bỏ đám cỏ đang bốc cháy, rồi hướng ngọn lửa về phía kẻ địch.
Đó cũng là lúc thanh kiếm được đổi tên thành Kusanagi-no-Tsurugi (Thảo thế kiếm). Thanh kiếm được truyền từ đời này sang đời khác cho đến khi Kusanagi được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của thiên hoàng Temmu năm 686.
Kể từ đó Kusanagi được bảo quản tại ngôi Đền Atsuta, nhưng thanh kiếm được lưu giữ đến ngày nay nhiều khả năng chỉ là bản sao.
Nguyên nhân là vào thế kỷ 12, cuộc hải chiến giữa hai gia tộc mạnh nhất Nhật Bản là Minamoto và Taira đã khiến thanh kiếm Kusanagi thật bị thất lạc vĩnh viễn.
Phác họa bộ ba Tam Chủng Thần Khí của Nhật Bản.
Khi gia tộc Taira thất bại, Nhật hoàng trẻ tuổi Antoku cùng mẹ phải nhảy xuống biển tự vẫn. Thanh kiếm Kusanagi cũng bị ném xuống biển để tránh rơi vào tay gia tộc Minamoto.
Cho đến nay, nhiều người Nhật tin rằng thanh kiếm đã nằm lại vĩnh viễn dưới đáy biển.
Số phận bảo kiếm Kusanagi ngày nay
Dù thanh kiếm Kusanagi hiện đại có phải là bản thật hay không, nó vẫn là biểu tượng quan trọng trong văn hóa Nhật. Kusanagi là một trong Tam Chủng Thần Khí được chuyển giao cho thiên hoàng Nhật mỗi khi ngài lên nắm quyền.
Hoàng đế Nhật Bản hiện tại là Akihito đã nhận thanh kiếm trong lễ lên ngôi năm 1989. Nhưng nó được bọc trong một lớp vải và không ai có thể nhìn thấy.
Kusanagi có tầm ảnh hưởng lớn đến mức nó xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh, hoạt hình và game của Nhật.
__________________________
Ở châu Âu có một thanh kiếm hết sức nổi tiếng, gắn liền với một nhân vật vĩ đại và cả chiều dài lịch sử Pháp. Bài dài kỳ tới sẽ hé lộ những bí ẩn về thanh kiếm này.
Người dân Nhật Bản thời phong kiến truyền miệng rằng, có một thanh kiếm nguy hiểm đến mức mỗi khi rút khỏi bao phải...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.