Nếu năm 2010 nhập siêu của VN là 12 tỷ USD, thì năm 2011 dự kiến sẽ là 14 tỷ USD. Đối với bất cứ nền kinh tế nào trong thời đại mở cửa, nhập khẩu các mặt hàng từ phục vụ sản xuất tới tiêu dùng là chuyện bình thường, không thể khác. Nhưng nếu nền kinh tế nào không cân đối được giữa xuất khẩu và nhập khẩu, trong khi xuất khẩu lại chỉ dựa nhiều vào gia công mà lại nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm với số lượng lớn và giá trị cao, thì nguy cơ “vỡ bong bóng” của nền kinh tế là khó tránh khỏi.
Trong khi chúng ta phải chắt bóp từng đồng tiền xuất khẩu những mặt hàng không có giá trị cao, chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm… mà lại nhập về toàn ô tô hay rượu ngoại đắt tiền thì hỏi làm sao “sức khoẻ” của nền kinh tế lại chẳng đáng lo ngại.
Tâm lý tiêu dùng của một bộ phận người Việt có thu nhập cao và đang vươn lên cao là chỉ ưa dùng “hàng hiệu”. Hàng hiệu ấy không phải hàng chất lượng cao sản xuất trong nước mà là hàng ngoại nhập. Uống rượu phải là những chai rượu đắt tiền mấy triệu đồng/chai mới “đáng mặt anh hào”. Rồi có những cuộc “cạnh tranh” chẳng biết có lành mạnh hay không khi đua nhau mua những loại ô tô, xe máy đắt tiền sản xuất từ nước ngoài.
Kinh doanh thường dựa nhiều vào tâm lý xã hội, điều ấy chẳng có gì sai. Nhưng cố tình nhập khẩu tràn lan những mặt hàng xa xỉ phẩm trong khi hàng trong nước cùng loại vẫn sản xuất được để tạo nên một tâm lý tiêu dùng vọng ngoại, thì đó là một nguy cơ thật sự.
Ở những nước phát triển, thu nhập tính trên đầu người/năm cao, họ vẫn ưa dùng những mặt hàng do nước họ sản xuất. Những ai đi Hàn Quốc đều thấy, người Hàn Quốc rất hay uống rượu, nhưng họ chỉ uống đúng một loại rượu Sô - chu do chính nước họ sản xuất. Những loại rượu đắt tiền thường thấy trong các bàn tiệc ở VN hầu như vắng bóng trên các bàn tiệc ở Hàn Quốc. Trong khi đó thu nhập trên đầu người ở Hàn Quốc thì cao gấp mấy chục lần thu nhập trên đầu người ở VN.
Tâm lý sính dùng hàng ngoại đắt tiền một cách vô tội vạ ở VN hiện nay thật sự là một mối nguy cho nền kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần là mối lo cho các vị chủ gia đình. Nhiều khi người tiêu dùng “không biết sợ” khi mua và dùng “hàng hiệu” nhập ngoại đắt tiền, nhưng điều hành kinh tế nhà nước ở cấp vĩ mô thì rất nên biết sợ!
Bởi nếu không kiểm soát được nhập siêu, thì không thể nói là đã kiểm soát được lạm phát.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.