“Bó đũa” ở chợ Hóc Môn đang yếu dần
Số liệu cập nhật liên tiếp 3 ngày sau lệnh cấm nhập lợn vào chợ đầu mối (nếu không đủ thông tin truy xuất) càng củng cố cho nỗ lực này. Tính đến ngày 15.10, số lợn có đầy đủ thông tin tại các chợ đầu của thành phố mối chỉ chiếm 18 %. Sau ngày chính thức áp lệnh (16.10); con số này ở chợ đầu mối Hóc Môn chỉ nhích lên 22%; tại chợ Bình Điền con số này bằng 0.
Tỷ lệ thịt lợn truy xuất được nguồn gốc và tổng lượng thịt về chợ đã tăng đáng kể sau khi thành phố siết chặt quy định ở các chợ đầu mối (chụp tại chợ Hóc Môn). Ảnh: N.V
"Con số chênh lệch tỷ lệ truy xuất ở hai chợ đầu mối sẽ được Ban đề án và Sở Công Thương tiếp tục mổ xẻ các điểm tắc nghẽn, tiếp tục nâng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc thị vào thành phố lên cao trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ hợp tác nhiều hơn từ Ban quản lý các chợ, thương nhân và các trại, hộ chăn nuôi”.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa
|
Không ít thông tin ảm đạm liên tục được cập nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản thân ông Nguyễn Văn Tiển - Phó Giám đốc công ty quản lý chợ Hóc Môn cảm nhận rõ áp lực này. Đến ngày thứ hai (17.10), tình hình đã chuyển biến rõ rệt khi 2.810 con lợn đã đủ thông tin truy xuất, tăng tỷ lệ lên 51% trên tổng số lợn 5.560 con nhập vào chợ. Đến ngày 18.10, tỷ lệ này tăng lên 76%, tương ứng hơn 4.000 con lợn đã truy xuất được thông tin trên tổng số 5.291 con lợn nhập chợ.
Như thế, tổng số thịt lợn nhập về chợ này cũng đang dần tiến tới mức tiêu thụ trung bình mỗi ngày từ 5.500 – 5.700 con. Một tuần trước đó, thông tin từ Phòng kinh doanh chợ Hóc Môn cho biết tổng số lượng thịt đã giảm đáng kể từ sau sự cố thương lái tiêm thuốc an thần cho 3.700 con lợn ở lò mổ Xuyên Á (Củ Chi). “Tỷ lệ 22% trong ngày đầu tiên đã khiến chúng tôi rất buồn nhưng không vì thế mà thất vọng. Bằng các biện pháp vận động và liên tục thay đổi cách thức biểu dương, nhắc nhở; sự đồng thuận của thương nhân đã biến chuyển rõ rệt” - ông Tiển kể.
Một cách ví von, ông Tiển xem lực lượng thương nhân tại chợ mình như bó đũa 100 cây. Không thể nào “bẻ gãy” cả bó đũa ngay lập tức mà phải dùng các động thái linh hoạt, mềm dẻo vì tự thân nó có tính đối kháng.
“Tỷ lệ truy xuất đến sáng ngày 18.10 đã là 76% đồng nghĩa vẫn còn 24 chiếc đũa nữa chưa hoàn thành mục tiêu. Chủ trương và quyết tâm của thành phố là không thay đổi, nỗ lực của Ban quản lý chợ cũng ngày càng nhận được nhiều hơn sự đồng thuận từ thương nhân” - ông Tiển đánh giá.
Với các lô hàng và thương lái vi phạm trước đó, Ban quản lý chợ đã cho mọi người viết cam kết và tự đề ra mốc thời hạn hoàn thành là 3 ngày. “Tỷ lệ truy xuất sẽ đạt con số cao nhất trong thời gian ngắn sắp tới. Không thể chần chừ lâu hơn được nữa vì thời điểm sẵn sàng để đối kháng đã sắp tới rồi” - đại diện chợ Hóc Môn khẳng định.
Không bỏ cuộc sau đêm "vỡ trận”
Không khả quan bằng chợ Hóc Môn nhưng nỗ lực nói trên cũng nhận được sự chia sẻ tương tự ở chợ đầu mối Bình Điền. Với tư cách phó trưởng ban đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn, ông Nguyễn Ngọc Hòa không hề giấu diếm khi con số 0% tỷ lệ thịt lợn không truy xuất được thông tin vào chợ Bình Điền là hoàn toàn chính xác.
“Gọi là thất thủ cũng được, vỡ trận cũng không sai. Chúng tôi chấp nhận các quan điểm để tiếp tục hoàn thiện con đường khó khăn này. Nhưng không vì “vỡ trận” ngày đầu mà chúng tôi buông bỏ” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, việc đánh giá sơ bộ tình hình sau 3 ngày thực hiện quy định cấm lợn không đủ thông tin vì mục tiêu lần này tập trung mạnh vào chợ đầu mối, tương ứng với 3 chủ thể trong đề án: cơ sở chăn nuôi đeo vòng nhận diện và khai báo khi xuất lợn khỏi trại; cơ sở giết mổ xác nhận lợn khi đưa vào; thịt lợn được kích hoạt để vào chợ đầu mối.
Qua 3 ngày thực hiện, tỷ lệ thịt lợn truy xuất được đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, so với ngày 16.10, đến sáng ngày 18, tỷ lệ truy xuất tăng lên rõ rệt. Ở chợ Hóc Môn từ 22% lên 76%; ở Bình Điền từ 0% lên 6%.
Nói về những khó khăn, ông Tsàn A Sìn - Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, hiện phần lớn lợn về chợ là từ các tỉnh miền Tây (chủ lực là từ Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang….). Các tỉnh này chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu. Thương lái đến thu mua tại từng hộ gia đình cũng chưa thành thục kỹ năng sử dụng, thiết bị, công nghệ...
“Sự phối hợp truy xuất thông tin ở các lò mổ tại Long An chưa tốt. Chúng tôi đã báo cho Sở Công Thương các đơn vị chậm hợp tác này. Đồng thời, chợ Bình Điền cũng đã nhờ Trung tâm công nghệ cao hỗ trợ tích cực cho khâu kỹ thuật và tập huấn” - ông Sìn nói.
“Sau đêm “vỡ trận”, vẫn chưa thể cấm cản hoàn toàn thịt lợn vào chợ nhưng không có nghĩa “mở toang hoác hay xả cửa” - ông Sìn tiếp lời. Đối với các trường hợp vi phạm chưa cấp đủ thông tin trong vòng truy xuất, chợ Bình Điền cũng áp dụng thời hạn 5 ngày với các trường hợp vi phạm kể từ lúc ký bản cam kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.