Sau sự việc gây chấn động về việc 5.231 con lợn (heo) tại TP.HCM bị bơm thuốc an thần, giá thịt heo tại TPHCM có bị thiếu cục bộ trong 2 ngay 29 và 30.9. Tuy nhiên, kể từ ngày 1.10, giá thịt heo TPHCM đã trở lại bình thường, giá heo tại TPHCM cũng ổn định hơn. Song hiện vẫn ít nhiều có tâm lý e ngại về số lượng thịt heo bị bơm thuốc an thần sẽ được "tung" ra thị trường trong 1-2 ngày tới sau khi lượng heo bị "tạm giữ" ở cơ sở giết mổ Xuyên Á được đem đi giết mổ trở lại.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Nhữ, hộ nuôi heo ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, giá heo hơi trong vùng không có nhiều biến động trong những ngày qua. Heo đẹp mã, chất lượng… được các “mối” quen trả 32.000 đồng/kg, tuy nhiên, nhiều hộ cũng chỉ bán được với giá 29.000 – 30.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 2.10 ở ở Đồng Nai được dự đoán vẫn xoay quanh mức 30.000 - 32.000 đồng/kg . Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Nhữ chia sẻ, gia đình không còn nhiều heo sau đợt giảm giá sâu thời gian qua, tuy nhiên, ông cũng vừa gầy lại đàn mong có heo bán tết. Vụ việc phát hiện hơn 3.700 con heo bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) vừa qua khiến ông lo lắng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tiêu thụ thịt heo.
“TP.HCM gần đây vốn đã siết chặt chất lượng heo vào giết mổ, tiêu thụ. Mình không làm gian dối gì nhưng sau việc phát hiện heo bị tiêm thuốc số lượng lớn, tôi lo người tiêu dùng lại sẽ e dè khi ‘ăn’ thịt, ảnh hưởng tới giá cả thị trường”, ông Nhữ lo lắng.
Trong khi đó, trả lời về chất lượng của số heo có đeo vòng truy xuất nguồn gốc, bị tiêm thuốc an thần vừa qua, ông Đào Hà Trung, chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG) chịu chịu trách nhiệm truy xuất các thông tin liên quan tới con heo, còn Chi cục Thú y và Ban Quản lý ATTP TPHCM chịu trách nhiệm trực tiếp đối với chất lượng heo thịt bán ra thị trường.
Việc TXNG được chia ra nhiều giai đoạn, hiện đang ở giai đoạn truy xuất từ trang trại đến lò mổ, sau 15.10 tới, chương trình sẽ triển khai tiếp giai đoạn 2, thực hiện TXNG từ lò mổ đến chợ tiêu thụ.
“Cũng rất may là nhờ hệ thống TXNG này mà hiện chúng tôi đã có toàn bộ số liệu về lô heo vừa bị phát hiện tiêm chích thuốc an thần để có biện pháp xử lý tiếp theo. Tuy nhiên, giữa việc đeo vòng và việc ATTP có sự liên hệ khác nhau”, ông Trung phát biểu.
"Con heo “đeo vòng” là con heo đươc TXNG, còn việc ATTP là do Ban Quản lý ATTP hoặc Chi cục Thú y chịu trách nhiệm chứ việc đeo vòng không xác nhận được con heo đó là an toàn hay chưa. Bằng chứng là khi heo bị tiêm thuốc thì hệ thống TXNG cũng không thể phát hiện được!", ông Trung tiếp lời.
Giá heo bán ra tại các tỉnh Đông Nam bộ vẫn đang dưới giá thành, nhiều hộ chăn nuôi còn lo lắng tình hình tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới.
Đề nghị tiêu hủy số heo bị tiêm thuốc an thần
Chiều tối ngày 1.10, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã chính thức đề xuất UBND TP.HCM và Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP phải tiêu hủy toàn bộ lô heo bị có dương tính với thuốc an thần. Có như vậy mới đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và tăng tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Các chủ lô hàng sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy lô heo nói trên.
|
Trả lời về công tác kiểm tra, kiểm dịch để đảm bảo ATTP đối với các lô heo đưa về giết mổ, tiêu thụ tại TP.HCM, ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, ở các cơ sở giết mổ lớn như Xuyên Á, cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ. Tuy nhiên, khung giờ hoạt động của cán bộ thú y sẽ theo đăng ký giết mổ của cơ sở.
Ví dụ đối với những lò mổ giết mổ ban ngày, giờ cao điểm làm việc thường từ trưa để cung cấp thịt cho các chợ chiều. Đối với cơ sở giết mổ ban đêm, khung giờ hoạt động từ chiều đến đêm.
Nhiệm vụ của cán bộ thú y ở đây trước hết là kiểm tra các thủ tục hành chính đối với từng xe heo đến lò mổ. Đối với heo từ ngoại tỉnh vào TP.HCM phải có giấy kiểm dịch, đối với heo nội thành thì kiểm tra tờ khai lô heo từ đâu, ở huyện nào…
Tiếp đó, cán bộ kiểm tra lâm sàng, phân loại heo bệnh, heo chấn thương… Từ đó, heo sẽ được chia làm 2 loại, loại được phép giết mổ trong ngày và heo phải giữ lại để kiểm tra tiếp hoặc phải tiêu hủy do bị chết, heo bệnh… Hiện số lượng heo phải tiêu hủy hằng đêm ở lò mổ Xuyên Á khoảng 70 con.
“Sau đợt rồi, chúng tôi đã phát hiện ra sơ hở trong quy trình kiểm dịch, do đó, ngay sau khi lập biên bản xử lý vi phạm hành chính các đối tượng, Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã yêu cầu các cán bộ trạm thú y trên địa bàn điều chỉnh quy trình kiểm soát giết mổ”, ông Phát nói.
Diễn biến thị trường giá lợn tuần qua trên địa bàn cả nước:
Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông nghệp (Bộ NNPTNT): Giá lợn hơi tuần qua biến động giảm tại các vùng chăn nuôi cả nước.
Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam như Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Đồng Nai… giá lợn đã giảm từ 2.000 - 3.000 đ/kg xuống còn khoảng trên dưới 30.000 đ/kg.
Giá thịt heo (lợn) tại TP.HCM đã trở lại bình thường.
Tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên, giá lợn hơi tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giảm khoảng 500 đ/kg, giá trung bình toàn miền chỉ dao động trong khoảng 29.000 – 32.000 đ/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 500 đ/kg ở Tiền Giang, giảm 1.000 đ/kg ở Long An và giảm tới 1.500 đ/kg ở Hậu Giang và có giá nằm trong khoảng 28.500 – 30.500 đ/kg. Tại một số vùng chăn nuôi lớn của Đồng Nai, hiện giá lợn cũng đã giảm từ 1.000 – 2.000 đ/kg xuống còn khoảng trên dưới 31.000 đ/kg, tùy thuộc vào chất lượng và quy mô nuôi.
Diễn biến giá lợn hơi tại An Giang tuần qua.
Dự báo: Kể từ đầu tháng 9 đến nay, giá lợn hơi trung bình của cả nước đang ở mức 30.000 – 31.000 đ/kg Dự báo giá lợn hơi sẽ có biến động giảm vì khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ bắt đầu bước vào mùa mưa, gây khó khăn cho công tác chăm sóc cũng như phòng chống dịch bệnh.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng vào mùa lũ, nguồn cung thủy sản khá dồi dào và giá khá rẻ nên gây sức ép tới việc tiêu thụ thịt lợn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.