CLip: Nuôi đặc sản ốc núi Tây Ninh giữa phố thị Sài Gòn chật hẹp. Thực hiện: Nguyên Vỹ
Nhiều người biết tiếng đặc sản ốc núi Tây Ninh. Cũng có nhiều người nuôi ốc núi Tây Ninh nhưng nuôi bằng lồng nhựa, giữa căn nhà cấp 4 thì ít có.
Nuôi đặc sản ốc núi Tây Ninh giữa phố thị Sài Gòn
Ốc núi Tây Ninh, loại ốc đặc hữu sinh sống trên núi Bà Đen, từ lâu là một trong những món ăn đặc sản.
Nhiều năm công tác ở tỉnh Tây Ninh nhưng chúng tôi cũng chưa được nhìn tận mắt con ốc núi này bao giờ.
Trước đây, do việc săn bắt phục vụ nhu cầu ẩm thực, nguồn ốc núi ngày càng cạn kiệt. Việc gầy nuôi ốc núi cũng là hình thức để bảo vệ và nhân giống chúng.
Vì thế, ngày càng nhiều nông dân ở Tây Ninh hoặc Long An đã nuôi thương phẩm loại ốc này ngay trong vườn nhà hoặc bãi đất trống.
Chúng tôi tìm đến mô hình nuôi ốc núi Tây Ninh của anh Trần Kiến Văn trên đường Nguyễn Văn Linh, một con đường mua bán nhộn nhịp kế bên Chợ Lớn, quận 5.
Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, vợ chồng anh tận dụng vừa làm nơi ở, vừa là nơi mua bán mũ nón và vừa để nuôi ốc. Gọi là mô hình cho oách chứ cách nuôi ốc của anh lại cực kỳ đơn giản.
Anh Văn kể, 3 năm trước, anh đã tính tới chuyện kinh doanh loại ốc đặc sản này. Thời điểm đó giá ốc núi khoảng 600.000 - 700.000 đồng/kg nhưng không có mà mua.
"Nghe bảo các thương nhân Trung Quốc gom mua ốc núi này nhiều lắm. Mình cố lân la tìm người đi săn ốc núi, rồi thuyết phục họ sang lại để kinh doanh. Nhưng việc lên núi tìm ốc không đơn giản; đặt mua ốc ngay tại chân núi cũng lúc có lúc không. Mình làm trung gian mà thường xuyên chịu cảnh thất hứa với khách hàng nên thôi, không theo đuổi nữa", anh Văn kể.
Sau này, nhiều người tự nuôi ốc núi để bán. Nghĩ rằng cách làm này có lý, đến khoảng đầu năm 2020, anh Văn tìm mua giống để tự nuôi ốc núi.
Nhưng điều kiện ở TP.HCM đất chật người đông, diện tích nhà ở nhỏ hẹp, tìm được chỗ nuôi như vùng nông thôn là không dễ.
Để tiết kiệm diện tích, anh nghĩ ra cách mua thùng nhựa có lỗ hở để nuôi ốc bên trong.
Cứ mỗi thùng nhựa (kích thước 40x50 cm) nuôi 10 kg ốc. Muốn nuôi nhiều hơn thì cứ đặt các thùng nhựa xếp chồng lên nhau.
Ban đầu, anh đặt thùng nuôi ốc trên sân thượng. Do không có chỗ thoát nước, anh lại đặt "chuồng nuôi" ngay trong nhà.
Nuôi ôc núi phải tạo ra môi trường ẩm ướt. Mỗi ngày anh vệ sinh cho ốc bằng cách rưới nước từ thùng nhựa trên cao. Nước chảy dần xuống thùng nhựa bên dưới.
"Dưới cùng, phải đặt thêm khay nhựa để hứng nước, vừa tiện xử lý chất thải vừa tạo cho ốc môi trường ẩm ướt", anh Văn lưu ý.
Từ chỗ nuôi thử chỉ 2-3 kg, thấy ốc khỏe mạnh bình thường, anh cứ nâng dần số lượng lên.
Nuôi lâu ngày, anh nhận ra rằng chất lượng thịt của ốc núi phụ thuộc nhiều vào loại thức ăn. Ốc núi ăn loại lá cây nào thì khi chế biến, thịt ốc sẽ thoang thoảng hương vị đó.
Nghe đồn, ở trên núi, ốc ăn các loại lá cây rừng, cây dược liệu nên có hương vị thuốc bắc. "Tôi cho ốc ăn rau tần dày lá chừng 1 tuần để thịt ốc thoảng vị đặc trưng của loại thuốc Nam này", anh Văn kể.
Nhưng không phải nhà nào cũng trồng rau tần dày lá. Anh Văn cho đàn ốc nhà mình ăn thường xuyên lá cây sa kê; các loại rau củ quả, thậm chí là phụ phẩm rau củ quả đầy ngoài chợ. Vì vậy, thức ăn cho ốc rất đơn giản, chỉ là rau xanh hoặc lá khô.
Tạo nguồn thu nhập thêm
Anh Văn cho biết, so với ốc núi tự nhiên, ốc nuôi chậm lớn hơn. Nếu ngoài tự nhiên, một con ốc núi cần 5 tháng để trưởng thành thì ốc nuôi cần thêm 1-2 tháng nữa, còn tùy vào cách chăm sóc và cho ăn.
Vì nuôi nhốt lồng, anh Văn kể, con ốc cũng bị stress do quá trình di chuyển các lồng nuôi. Và khi bị stress, ốc sẽ ít ăn hơn. Đây cũng là lý do khiến ốc nuôi chậm lớn hơn so với ốc phát triển ngoài tự nhiên.
Ốc núi ít khi bị dịch bệnh. Vấn đề thường gặp chỉ là do mật độ nuôi dày trong thùng nhựa, ốc dễ bị chết ngộp do con phía trên đè xuống.
Anh Văn cho biết, nghề nuôi ốc núi bắt đầu từ một thú vui. Công việc chính của anh là phụ trách xưởng sản xuất ống nhựa của gia đình.
"Không quá phức tạp nhưng công việc này tạo thêm một khoảng thu nhập cho gia đình, nhất là trong mùa dịch Covid-19 vừa qua", anh nói.
Hiệu quả kinh tế của việc nuôi ốc núi trong nhà là lấy công làm lời vì chi phí thức ăn không đáng kể.
Người nuôi có thể bỏ ra số vốn 220.000 đồng để sở hữu 1kg ốc nhỏ, khoảng 60 con.
Ốc núi Tây Ninh đang được anh Văn nuôi thương phẩm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Sau 3 tháng nuôi, giá trị tăng lên 2,5 lần vì ốc đến 25 con/kg là xuất bán được. Ốc con mới sinh thì thời gian nuôi lâu hơn, từ 5-6 tháng.
Được biết, tại các nhà hàng, giá một đĩa ốc núi Tây Ninh (chừng 5 con) khoảng 100.000 đồng.
Hiện anh đang bán ốc thương phẩm của mình giá 250.000 đồng/kg, size khoảng 25 con/kg. "Trung bình mỗi tháng tôi bán từ 80-120 kg ốc núi", anh Văn kể.
Nhu cầu mua giống về nuôi cũng như thưởng thức ốc núi rất lớn. Thế nhưng, nghề nuôi ốc núi khó duy trì được sản lượng ổn định hành tháng trong năm.
Ốc núi có thói quen ngủ đông. Khi đó ốc vùi mình dưới lớp lá cây khô mục, trong các vách núi. Nguồn ốc từ Tây Ninh về cũng hạn chế. Người nuôi ốc tuy nhiều nhưng số lượng không đủ cung cấp cho thị trường.
Bình thường, thương lái Trung Quốc tìm mua loại đặc sản này rất nhiều, và giá cũng cao. Nhiều người nuôi ốc thường gom bán hết cho các thương lái.
Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng, khiến việc thu mua của thương lái Trung Quốc bị ảnh hưởng. Người nuôi bán ngược ra thị trường nội địa.
"Cũng nhờ đó mà người dân Sài Gòn lại được dịp thưởng thức món ăn đặc sản ốc núi Tây Ninh nhiều hơn", anh Văn chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.