Kiểm toán chưa làm hết trách nhiệm

Thứ sáu, ngày 20/08/2010 09:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nhận định của ông Đinh Xuân Thảo - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp khi trao đổi với NTNN bên lề hội thảo lấy ý kiến "Dự án Luật Kiểm toán độc lập" diễn ra hôm 19-8 tại Hà Nội.
Bình luận 0
img
Vinashin đã hoàn thành việc chuyển quyền điều hành một số lĩnh vực sang doanh nghiệp khác.

Nhìn lại bức tranh tổng thể của Vinashin, ông có đánh giá gì về vai trò của kiểm toán nhà nước?

- Những tài liệu của kiểm toán nhà nước cung cấp cho Đại biểu Quốc hội mà tôi đã đọc, đều thể hiện kiểm toán nhà nước đã làm khá tốt. Dựa vào số liệu của kiểm toán nhà nước, tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp lớn làm ăn thua lỗ. Một trong các nguyên nhân là việc đánh giá hoạt động sử dụng vốn chưa được chú trọng. Với khoản tiền vay nước ngoài được bảo lãnh của Chính phủ, quá trình đang đầu tư không thể kiểm toán vì lý do "không thể thu lại lợi nhuận ngay được".

Ví dụ, Vinashin nói vay 300 triệu USD để mua tàu, kiểm toán nhà nước chỉ có thể dừng lại ở việc có đúng là mua tàu thật hay không. Còn hiệu quả như thế nào thì kiểm toán nhà nước chưa tính đến. Sự việc Vinashin cũng là điển hình mà kiểm toán nhà nước chưa phân tích ngay được việc sử dụng vốn không có hiệu quả. Đây được coi là chức năng chính của kiểm toán nhà nước để phân biệt với thanh tra. Nếu thanh tra chỉ dừng lại ở việc sử dụng đồng tiền đúng mục đích thì việc sử dụng có hiệu quả hay không là chức năng của kiểm toán. Nhưng ở nước ta vẫn đang lẫn lộn giữa hai cơ quan này. Chúng tôi đã đề xuất lên Quốc hội là trách nhiệm của kiểm toán nhà nước phải thay mặt cho người dân kiểm soát đồng tiền thuế của dân, sử dụng như thế nào, hiệu quả hay không.

Vậy theo ông với trường hợp của Vinashin, kiểm toán nhà nước đã làm hết trách nhiệm chưa?

- Tôi cho rằng kiểm toán nhà nước chưa làm hết trách nhiệm. Mặc dù Đại biểu Quốc hội đã nêu tại nghị trường rồi, nhưng các cơ quan quản lý không chú trọng làm sáng tỏ, mà đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng tiến hành mới phát hiện, phanh phui được ra vấn đề của Vinashin. Như kết quả của Vinashin đã được công bố, hậu quả để lại rất lớn.

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp báo tháng 7 vừa qua, Vinashin đã mắc nhiều sai phạm từ thời gian dài trước đó, kiểm toán nhà nước có thực hiện tại tập đoàn này và báo cáo lên Quốc hội?

Tôi cho rằng kiểm toán nhà nước chưa làm hết trách nhiệm. Mặc dù Đại biểu Quốc hội đã nêu tại nghị trường rồi, nhưng các cơ quan quản lý không chú trọng làm sáng tỏ, mà đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng tiến hành mới phát hiện, phanh phui được ra vấn đề của Vinashin.

- Lâu nay kiểm toán nhà nước cung cấp tài liệu chỉ là kết quả kiểm toán hàng năm thực hiện chi tiêu khoản tiền ngân sách cấp. Còn Vinashin là doanh nghiệp, vốn một phần của nhà nước, một phần họ huy động từ bên ngoài, nên trước đó kiểm toán Vinashin chưa thực hiện việc kiểm toán tổng thể. Bởi theo quy trình thì chỉ khi nào phát hiện một doanh nghiệp có vấn đề thì kiểm toán nhà nước mới "nhảy vào" kiểm toán tổng thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều trường hợp kiểm toán chưa thực sự khách quan vì chẳng có cơ quan nào kiểm toán lại cơ quan kiểm toán nhà nước?

-Thực tế là chúng tôi cũng đang trăn trở về vấn đề này. Trong điều kiện hiện nay, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội có quyền giám sát việc tuân theo pháp luật của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vấn đề đặt ra là ai giám sát Quốc hội? Câu trả lời là nhân dân.Từng đại biểu tiếp xúc với cử tri và phải báo cáo tình hình hoạt động của mình trước cử tri. Tương tự, chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi: Ai kiểm toán cơ quan kiểm toán nhà nước? Vấn đề này, theo tôi, nên có kiểm toán chéo. Kiểm toán nhà nước đi kiểm toán độc lập và để tạo được sự khách quan, phải có quá trình kiểm toán độc lập kiểm toán lại kiểm toán nhà nước.

Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của "dự án xây dựng Luật Kiểm toán độc lập"?

- Dự án Luật Kiểm toán độc lập thuộc một trong những nhóm dự án pháp luật về kinh tế. Nó nằm trong nội dung hoàn thiện thể chế về kinh tế phục vụ cho hội nhập, đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường. Đối với yêu cầu trong quản lý tài chính, cần phải có sự minh bạch, rõ ràng, chính xác là cơ sở để xem xét khi thực hiện trong quyết toán ngân sách, giúp cho cơ quan nhà nước có đánh giá khách quan, độc lập minh bạch.

Kiểm toán nhà nước là cơ quan trực thuộc Quốc hội đang vận hành. Tuy nhiên, một mình cơ quan kiểm toán không thể thực hiện và bao quát hết tất cả các vấn đề về kinh tế nên cần phải có kiểm toán độc lập. Hình thức kiểm toán độc lập trên thế giới đã có hàng trăm năm nay và họ hoạt động rất có uy tín giúp cho cơ quan quản lý nhà nước dựa vào đó hoạch định chính sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem