Kiên Giang: Nuôi loài rắn vừa dài vừa to trong bể xi măng, ít tốn công chăm mà cả năm tiền lời vẫn rủng rỉnh

Ngọc Lam (Cổng TTĐT huyện Gò Quao) Thứ năm, ngày 20/05/2021 19:00 PM (GMT+7)
Nhờ đam mê, ham học hỏi, kiên trì không nản chí anh Trần Văn Tình, ấp Vĩnh Hùng, xã Vĩnh Tuy (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đã thành công với mô hình nuôi rắn ri voi, nuôi rắn ri cá và ếch. Từ mô hình nuôi con đặc sản này mỗi năm anh có thu nhập trên 100 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.
Bình luận 0

Trước đây do hoàn cảnh khó khăn anh Tình và vợ đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương sau đó anh trở về địa phương tìm cách sinh nhai khác. 

Thấy người bà con nuôi rắn ri voi rất hiệu quả từ đó anh có suy nghĩ nuôi thử nghiệm rắn ri voi và rắn ri cá. Dám nghĩ dám làm anh tình đã quyết định mua rắn con và tận dụng những chuồng nuôi heo cũ của gia đình để nuôi.

Kiên Giang: Nuôi loài rắn vừa dài vừa to trong bể xi măng, ít tốn công trăm mà cả năm tiền lời vẫn rủng rỉnh - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Tình, ấp Vĩnh Hùng, xã Vĩnh Tuy (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) kiểm tra tình hình phát triển của đàn rắn ri voi, rắn ri cá.

Anh Tình chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi rắn 6 năm nay và mô hình có hiệu quả cho thu nhập thì chỉ 3 năm trở lại đây. Để mô hình nuôi rắn ri voi, rắn ri cá thành công như hôm nay tôi và gia đình phải bỏ ra 3 năm đầu để tìm tòi nuôi thử nghiệm. Rồi nhiều lần nuôi chưa đạt thất bại tưởng như sẽ bỏ cuộc vì tiền vay hỏi để đầu tư mô hình ngày càng nhiều mà rắn thì chưa cho thu nhập...".

Thế nhưng nhờ kiên trì cuối cùng anh Tình cũng gặt hái được thành quả. Qua năm thứ 4 rắn ri voi, rắn ri cá bắt đầu sinh sản từ đó anh bán được rắn con có thu nhập dần dần hiện nay kinh tế gia đình đã ổn định hơn...

Sau một thời gian mày mò với con rắn ri cá, ri voi anh Tình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, đặc biệt là quá trình cho rắn sinh sản.

Từ tín hiệu tích cực ban đầu, anh tiếp tục đầu tư thêm hiện nay tăng lên hơn 200 con rắn giống và thường xuyên có hơn 500 rắn con và rắn thương phẩm những lúc rắn sinh sản thì số lượng này khoảng 1000 con. 

Anh cho biết điều quan trọng là bể nuôi rắn ri voi, rắn ri cá phải thoáng, sạch, nước vô ra thường xuyên. Có như thế rắn mới lớn nhanh và ít bị nhiễm bệnh. 

Một bí quyết quan trọng nữa là trong mỗi vèo nuôi rắn ri voi, rắn ri cá cần thả bèo tai tượng có tác dụng lọc sạch nước, mặt ao mát mẻ và yên tĩnh, để dây ni lông, chà lá dừa rồi thả rắn vào nuôi đồng thời cũng giúp cho rắn có nơi ẩn trú.

Còn về điều kiện cho ăn và chăm sóc rắn thì tùy chủ yếu như cá lòng tong, cá sặc, cá rằm, cá rô. Phần thức ăn là các loại cá tạp anh có thể tự tìm kiếm trong tự nhiên hoặc mua thêm ở chợ, với giá khoảng 5 triệu đồng trong một năm thả nuôi rắn. 

Rắn ri cá, rắn ri voi rất dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, mỗi tuần chỉ cho ăn 1 lần. Nếu nuôi trong môi trường nước tốt và dinh dưỡng đầy đủ thì sau 1 năm rưỡi rắn đạt trọng lượng hơn 1 kg/con và sau 2 năm sẽ bắt đầu sinh sản.

Về phối giống để rắn sinh sản, anh cho rắn giao phối từ đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 - 7 âm lịch, chọn con bố mẹ trước khi cho rắn phối giống, nhốt chung phân nửa đực và phân nửa cái để rắn đẻ đều và đẻ nhiều. 

Mỗi năm rắn cái đẻ một lần, bình quân mỗi lần từ 10 - 30 con. Đối với rắn mẹ có trọng lượng trên 2kg có thể đẻ 40 con/lứa.

Sau 6 năm gây dựng, hiện anh Tình đã duy trì được 5 bể xi măng với số lượng trên hơn 200 con rắn giống và thường xuyên có hơn 500 rắn con và rắn thương phẩm những lúc rắn sinh sản thì số lượng này khoảng 1000 con. 

Mỗi năm anh xuất bán từ 1.000 con rắn giống tùy điều kiện thời tiết, giá mỗi con từ 50.000 - 70.000 đồng tùy theo lớn nhỏ.

Ngoài ra, anh Tình còn bán rắn thương phẩm, với dao động từ 600.000 - 700.000đ/kg đối với rắn ri voi và từ 380.000 - 400.000đ/kg với rắn ri cá. Trừ hết các chi phí anh còn lời gần 100 triệu đồng.

Không chỉ nuôi rắn mà với sự say mê tìm tòi các mô hình nuôi động vật hoang dã, hơn 1 năm nay anh Tình còn đầu tư nuôi ếch cũng theo hướng nuôi sinh sản bán ếch con và ếch thương phẩm.

Hiện nay anh có 100 con ếch cái. Đặc biệt là anh nhân giống ếch đẻ ra nòng nọc và lấy nòng nọc để làm thức ăn cho rắn, tiết kiệm chi phí mua thức ăn cho ếch. Qua một năm nuôi thu nhập từ ếch cũng được trên 50 triệu đồng.

Hiện nay với mô hình kinh tế của anh Trần Văn Tình, đặc biệt là mô hình nuôi rắn trong bể xi măng của anh vừa đơn giản, tiết kiệm diện tích, lấy công làm lời, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đang được nông dân trong vùng học hỏi làm theo. 

Ông Trần Văn Cảnh, Trưởng ban công tác mặt trận ấp Vĩnh Hùng, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Hiện nay mô hình nuôi rắn của anh Tình rất có hiệu quả, vì hiệu quả kinh tế tương đối cao, hiện nhiều hộ trong ấp cũng đã học hỏi mua con giống về nuôi. Hi vọng với mô hình này nhiều hộ trong ấp sẽ có thêm hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình”.

Với tinh thần mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, tận dụng những cái có sẵn ở địa phương anh Trần Văn Tình đã thành công với mô hình nuôi rắn ri cá, ri voi trong bể xi măng và nuôi ếch. Hiện nay anh đang chuẩn bị xây thêm bể xi măng mở rộng quy mô mô hình nuôi rắn. Đây là mô hình dễ thực hiện, chỉ cần diện tích nhỏ, chi phí thấp lại cho lợi nhuận khá cao. Chính vì thế đây thật sự là mô hình phù hợp với nông hộ ít đất sản xuất ở nông thôn./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem