Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đây được xem là mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao trên địa bàn xã Đam B'ri nói riêng và TP Bảo Lộc nói chung.
Qua trao đổi, ông Đỗ Huy Tuyến (40 tuổi, ngụ tại Thôn 9, xã Đam B’ri) kể: Gia đình ông có hơn 3 ha đất nông nghiệp sản xuất cà phê. Hơn 10 năm trước, ông đã chuyển đổi 1 ha qua trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Đến năm 2018, chăn nuôi bò sữa tuy mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, nhưng do việc chăn nuôi manh mún không phù hợp với chiến lược phát triển chung của địa phương, cũng như gia đình ông.
Thời điểm đó, cơn sốt đất trên địa bàn TP Bảo Lộc nói chung và xã Đam B’ri nói riêng khá sôi động. Nhiều hộ dân đã chọn cách bán vườn, bán đất để lấy tiền xây nhà, mua xe ô tô.
Còn vợ chồng ông lại nghĩ rằng: “Là người nông dân, dù ít hay nhiều phải có đất để sản xuất. Quan trọng là mình chọn nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Gia đình có đất sản xuất, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu sản xuất theo lối cũ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, vợ chồng tôi đã tìm hiểu các thông tin về nông nghiệp hữu cơ và học hỏi để phát triển dần” - ông Tuyến cho biết.
Vợ chồng ông Tuyến sau đó tiến hành cày bỏ một phần vườn cỏ rồi tổ chức xử lý đất, nguồn nước để chuẩn bị sản xuất các loại rau theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, ông cũng tổ chức cải tạo, trồng các loại cây che chắn ở vành đai để tạo vùng đệm cho khu vườn. Sau đó, vợ chồng ông xuống các giống rau theo mô hình hữu cơ với các loại rau như cải thìa, cải ngồng, cải ngọt, dưa leo, gừng, sả…
Cũng từ đó, được sự giới thiệu của Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc, gia đình ông Tuyến đã nhận được nhiều đơn đặt hàng bao tiêu sản phẩm các loại rau hữu cơ tại TP Hồ Chí Minh và các đối tác tại Lâm Đồng, TP Vũng Tàu. Nhờ sản xuất hữu cơ, các loại rau sạch của anh được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn và bán được giá cao.
Cũng theo ông Tuyến, đến năm 2020, thông qua các bạn hàng, ông đã nắm thông tin về việc thị trường ở TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu cần nguồn trái cây hữu cơ, ông đã bàn với vợ mở rộng mô hình sản xuất. Hai vợ chồng sau đó tiếp tục cải tạo gần 1 ha vườn và tiến hành đặt mua 2 giống ổi gồm ổi nữ hoàng (ít hạt) và ổi lê từ các nhà vườn ở miền Tây về trồng.
Hiện nay, vườn ổi của gia đình ông Tuyến trồng khoảng 1.000 gốc và thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Hoa Kỳ. Đối với diện tích này, gia đình duy trì thảm cỏ ở nền vườn để giữ ẩm cho đất và tạo hệ sinh thái cho các loài vi sinh vật phát triển.
Ông Tuyến chia sẻ: “Gia đình tôi hợp đồng với một công ty chăn nuôi gà ở Đồng Nai để mua lớp đệm lót sinh học về ủ làm phân bón hữu cơ. Lớp đệm lót của trang trại gà chủ yếu là trấu, phân gà và một số loại men vi sinh nên nguồn phân này rất phù hợp để xử lý, ủ bón cho cây trồng. Hiện tại, mỗi tháng tôi tiến hành bón phân hữu cơ cho vườn ổi 1 lần nên lớp đất nền vườn rất tơi xốp, giúp ổi phát triển và sinh trưởng rất tốt mà không cần dùng đến các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật nào”.
Cùng với việc sử dụng nguồn phân bón tự ủ, gia đình ông Tuyến cũng bổ sung một lượng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho cây trồng. Điều đặc biệt, với 1.000 gốc ổi, chủ vườn không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay chế phẩm sinh học nào đề phòng trừ sâu bệnh.
“Côn trùng, sâu gây hại tự cân bằng trong vườn. Hơn nữa, đối với sản phẩm ổi, tôi sử dụng lưới và túi bọc những quả đẹp để dành thu hoạch vào cuối vụ. Còn lại, những quả không đạt sẽ để trên cây, mặc sức cho sâu, côn trùng đục khoét. Điều này, không gây ảnh hưởng gì tới số lượng ổi đã được tôi bọc túi cẩn thận” - ông Tuyến chia sẻ.
Vườn ổi trồng theo mô hình hữu cơ thuận tự nhiên của gia đình ông Tuyến cho trái thu hoạch đều đặn mỗi tháng. Cứ thế, mỗi tháng gia đình ông thu được từ 1,7 - 2 tấn ổi và được đối tác hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 20 ngàn đồng/kg. “Hiện nay, mỗi tháng tôi cung cấp cho các đối tác tại TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu từ 3 - 3,5 tấn rau, quả hữu cơ các loại và có được nguồn thu nhập ổn đinh khoảng 60 triệu đồng. Trừ các loại chi phí, gia đình tôi có được nguồn lãi khoảng 40 triệu đồng” - ông Tuyến cho hay.
Bà Mai Thị Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B’ri, cho biết: “Gia đình anh Tuyến là một trong những hộ dân tiên phong phát triển sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên. Từ những kết quả mô hình đang mang lại, tới đây, địa phương sẽ có sự đánh giá cụ thể để tiếp tục nhân rộng phát triển giúp bà con có được nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.