Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Vẫn có “cầu” thì khó dẹp được “cung”

Huyền Anh (thực hiện) Thứ hai, ngày 18/11/2019 06:05 AM (GMT+7)
Khi cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng nghĩa với việc chúng ta từ chối việc quản lý. Trong khi nhu cầu thực tế vẫn tồn tại, thì vô hình chung, chúng ta lại đẩy rủi ro lớn hơn về cho xã hội và tạo môi trường cho hoạt động kinh doanh đòi nợ chui, đòi nợ theo kiểu xã hội đen phát triển mạnh hơn. Đó là nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu - cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Bình luận 0

img

TS Nguyễn Trí Hiếu - cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Chính phủ kiến nghị bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Phải thừa nhận rằng, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Từ một dịch vụ kinh doanh được pháp luật điều chỉnh, các phương thức đòi nợ đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật khi xảy ra hàng loạt vụ giam giữ người trái pháp luật, đe dọa, "khủng bố" tinh thần để đạt được mục đích đòi được nợ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, chúng ta chỉ nhìn vào yếu tố tiêu cực để cấm vì đây vẫn là dịch vụ cần thiết trong nền kinh tế và đã tồn tại hơn 10 năm qua.

Một thống kê cho thấy, việc đòi nợ qua các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hiệu quả có thể lên tới 90%, trong khi đó nếu chúng ta thông qua tòa án thì chỉ đạt ở mức độ trên 50%. Hơn nữa, đối với những giao dịch có trị giá thấp, những giao dịch nhỏ lẻ thì việc sử dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ còn làm giảm áp lực lên tòa án. Thế nên, cần nhưng vẫn cấm thì đó là tư tưởng bảo thủ và là quan điểm sai lầm. Nếu chúng ta cấm ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng có nghĩa rằng chúng ta đang đi ngược với thông lệ quốc tế. 

img

  Các đối tượng phun sơn lên nhà dân với mục đích đòi nợ. (ảnh: internet)

Vậy, nếu cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” có dẹp bỏ được những bất ổn xã hội do nó gây ra như trong thời gian vừa qua hay không, thưa ông?

- Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng, dù có cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì nó vẫn tồn tại theo nhu cầu từ quan hệ vay - mượn trong xã hội. Có cho vay thì sẽ cần đến đòi nợ. Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhất là các định chế tài chính như các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính họ, công việc của họ là cho vay nên việc đòi nợ thường trong một số trường hợp cần phải thuê các công ty chuyên đòi nợ để thực hiện.

Khi nhu cầu còn tồn tại nhưng chúng ta lại cấm kinh doanh loại hình này thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn so với thực trạng diễn ra trong thời gian qua. Bởi vì, khi cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng nghĩa với việc chúng ta từ chối việc quản lý. Trong khi nhu cầu thực tế vẫn tồn tại, thì vô hình chung chúng ta lại đẩy rủi ro lớn hơn về cho xã hội và tạo môi trường cho hoạt động kinh doanh đòi nợ chui, đòi nợ theo kiểu xã hội đen phát triển mạnh hơn. Biến tướng băng nhóm, bàn tay “quyền lực đen” cũng không thể dẹp bỏ được...

Việt Nam có thể học được điều gì từ kinh nghiệm trên thế giới thưa ông?

- Từ kinh nghiệm của quốc tế, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên chúng ta cần có đánh giá tác động nhiều chiều trước khi quy định cấm hay không. Nếu do quản lý nhà nước chưa tốt thì phải bổ sung quy định để đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thay vì cấm, chúng ta nên đưa ra thêm các quy định khắt khe để siết chặt dịch vụ đòi nợ như nâng cao vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp; quy định rõ về trách nhiệm giám sát, tạo công cụ cho cơ quan quản lý kiểm tra xử phạt. Đặc biệt đưa ra trách nhiệm cụ thể về tài chính, hành chính và cả hình sự với người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Quy định rõ ràng các phương thức đòi nợ, thời gian đòi nợ, không được đòi nợ qua người thân, người có liên quan với người vay phân biệt và xử lý doanh nghiệp nào biến tướng, hành xử theo kiểu xã hội đen hoặc cho ra toà. Doanh nghiệp nào làm tốt thì cho tồn tại.

Ngoài ra, theo tôi một điểm cần lưu ý nữa, đó là chúng ta cũng nên đưa ra một khung giá nhất định cho dịch vụ đòi nợ thuê, đảm bảo làm sao bên đòi nợ thuê vì ham hoa hồng cao mà bất chấp mọi biện pháp để đòi nợ, gây mất trật tự, an ninh xã hội như thời gian qua.

Xin cảm ơn ông!

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội:

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là văn minh

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý. Quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt, mà nợ nần thì thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh, đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác.


LS Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư Hà Nội:

Giám sát như thế nào để không biến tướng?

Việc cá nhân, tổ chức ủy quyền việc đòi nợ cho một doanh nghiệp được cấp phép về hoạt động này là hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như thực tiễn cuộc sống. Trong thực tiễn có thể phát sinh các khoản nợ giữa hai bên nhưng không phải cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể tự mình đòi những khoản nợ đó. Mấu chốt ở đây là cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý, giám sát dịch vụ này như thế nào để không biến tướng.


Ông Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế:

Cần bình tĩnh đánh giá

Cần bình tĩnh trong việc phân tích những điểm được cũng như chưa được trong hoạt động của các công ty thu hồi nợ trong thời gian vừa qua để có định hướng, biện pháp tốt hơn trong thời gian tới. Bởi sự ra đời của các công ty thu hồi nợ hoàn toàn phù hợp quy luật vận động của thị trường cũng như các nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu vay ngày càng đa dạng, phức tạp với quy mô ngày càng lớn hơn. Nếu cấm sẽ là vi hiến. Với những công ty thu hồi nợ, nếu sử dụng công cụ không hợp pháp hoặc vi phạm pháp luật thì cần phải ngăn ngừa, thậm chí có những biện pháp chấm dứt hoạt động để làm gương.

L.T (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem