Kinh ngạc xu thế mua sắm trên mạng xã hội và thói quen của người Việt
Kinh ngạc xu thế mua sắm trên mạng xã hội và thói quen của người Việt
Huỳnh Dũng - Nguyễn Thịnh
Thứ sáu, ngày 07/01/2022 10:15 AM (GMT+7)
Doanh số từ thị trường mua sắm trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok và WeChat sẽ tăng nhanh gấp ba lần, so với doanh số bán hàng từ các kênh truyền thống trong ba năm tới, theo một nghiên cứu do Accenture công bố.
Thương mại mạng xã hội được định nghĩa là các giao dịch diễn ra hoàn toàn trong bối cảnh của nền tảng mạng truyền thông xã hội, sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 492 tỷ USD vào năm 2021, công ty tư vấn Accenture cho biết trong báo cáo mới. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi người tiêu dùng Thế hệ Z và Millennial, những người dự kiến sẽ chiếm 62% chi tiêu thương mại mạng xã hội toàn cầu vào năm 2025.
Mua sắm trên mạng xã hội sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025
"Đại dịch Covid-19 đã cho thấy mức độ mọi người sử dụng các nền tảng mạng xã hội như điểm khởi đầu cho mọi thứ họ làm trực tuyến, từ cập nhật tin tức, giải trí đến truyền thông", Robin Murdoch, người đứng đầu Bộ phận cung cấp dịch vụ Phần mềm & Nền tảng toàn cầu tại Accenture cho biết. "Sự gia tăng đều đặn về thời gian dành cho mạng xã hội phản ánh mức độ thiết yếu của những nền tảng này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó đang định hình lại cách mọi người mua và bán, điều này cung cấp cho các nền tảng và thương hiệu những cơ hội mới giúp tăng cường trải nghiệm cho người dùng và cải thiện nguồn doanh thu cho chính họ".
Trong khi cơ hội là đáng kể cho các doanh nghiệp lớn, các cá nhân và thương hiệu nhỏ hơn cũng có lợi. Hơn một nửa (59%) người mua trên mạng xã hội được khảo sát cho biết, họ có nhiều khả năng ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua thương mại mạng xã hội hơn là khi mua sắm qua các trang web thương mại điện tử lớn. Hơn nữa, 63% cho biết họ có nhiều khả năng mua lại từ cùng một người bán, cho thấy lợi ích của thương mại mạng xã hội trong việc xây dựng lòng trung thành và thúc đẩy mua hàng lặp lại.
"Thương mại mạng xã hội là động lực phát triển được thúc đẩy bởi sức sáng tạo, sự khéo léo và sức mạnh của con người. Nó trao quyền cho các thương hiệu và cá nhân nhỏ hơn và khiến các thương hiệu lớn đánh giá lại mức độ phù hợp của họ đối với thị trường hàng triệu cá nhân", Oliver Wright, Trưởng nhóm Dịch vụ và Hàng tiêu dùng toàn cầu tại Accenture cho biết. "Để có được mạng lưới thương mại mạng xã hội đúng đắn sẽ yêu cầu người sáng tạo, người bán lại và thương hiệu phải đưa sản phẩm và dịch vụ của họ đến nơi người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm nhất có thể. Điều đó có nghĩa các bên bên phải làm việc cùng nhau trong một hệ sinh thái năng động bao gồm các nền tảng, thị trường, phương tiện truyền thông xã hội và những người có ảnh hưởng để chia sẻ dữ liệu, thông tin chi tiết, và khả năng cung cấp các ưu đãi phù hợp và trải nghiệm người tiêu dùng tốt nhất trên thị trường kỹ thuật số tích hợp".
Tuy nhiên, một nửa số người dùng mạng xã hội được khảo sát cho biết họ lo ngại rằng các giao dịch mua trên mạng xã hội sẽ không được bảo vệ, hoặc hoàn lại tiền một cách hợp lý, khiến lòng tin trở thành rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng, như đối với ngành Thương mại điện tử lúc ban đầu.
Niềm tin quan trọng hơn đối với các thế hệ già hơn là các thế hệ trẻ. Những người mua sắm lớn tuổi nhấn mạnh các tính năng bảo mật và coi trọng sự quen thuộc của thương hiệu đó, trong khi thế hệ trẻ bị thu hút bởi các buổi phát trực tiếp và đặt niềm tin nhiều hơn vào đánh giá của người mua.
"Những người chưa sử dụng thương mại mạng xã hội cho biết, một lý do khiến họ bị kìm hãm là họ thiếu tin tưởng vào tính xác thực của người bán trên mạng xã hội, trong khi những người dùng thương mại xã hội tích cực chỉ ra các chính sách kém về trả hàng, hoàn tiền và trao đổi, đó là một lĩnh vực cần cải thiện". Wright nói. "Niềm tin là một vấn đề sẽ cần thời gian để khắc phục, nhưng những người bán nào tập trung vào giải quyết tốt bài toán này sẽ có vị trí tốt hơn để tăng thị phần."
Báo cáo của Accenture cho thấy đến năm 2025, số lượng mua hàng qua mạng xã hội cao nhất trên toàn cầu được kỳ vọng là quần áo (chiếm 18% tổng số doanh thu thương mại mạng xã hội vào năm 2025), đồ điện tử tiêu dùng (13%) và đồ trang trí nhà cửa (7%). Các mặt hàng thực phẩm tươi sống và đồ ăn nhanh cũng đại diện cho một danh mục sản phẩm lớn (13%). Chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân mặc dù chiếm nhỏ hơn trong tổng doanh số thương mại mạng xã hội, nhưng được dự đoán sẽ nhanh chóng giành được vị thế trên Thương mại điện tử, và chiếm hơn 40% chi tiêu kỹ thuật số trung bình cho danh mục này tại các thị trường chính vào năm 2025.
Accenture cũng phát hiện ra rằng, khoảng 3,5 tỷ người đã sử dụng mạng xã hội vào năm 2021, trung bình dành hai tiếng rưỡi để tương tác mỗi ngày. Theo Accenture, thị trường thương mại mạng xã hội ít bão hòa hơn ở Mỹ và Anh so với Trung Quốc, nơi 80% người dùng mạng xã hội thực hiện mua hàng qua thương mại mạng xã hội.
Accenture cho biết, Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường tiên tiến nhất cho thương mại mạng xã hội về quy mô và mức độ trưởng thành, với mức tăng trưởng cao nhất, còn lại lạ là ở các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Brazil.
Nghiên cứu còn cho thấy, người mua sắm ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil quan tâm nhiều hơn đến các tính năng giúp họ khám phá và đánh giá các giao dịch mua tiềm năng, trong khi những người ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn đến giá cả và chiết khấu.
Công trình này dựa trên một nghiên cứu trực tuyến ở quy mô 10.053 người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mỹ và Anh được thực hiện từ ngày 12 tháng 8 đến ngày 3 tháng 9 năm 2021.
Tại sao người Việt Nam thích mua sắm trên mạng xã hội?
Mua sắm trên các trang thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Shopee…) hiện nay vẫn là hình thức mua sắm trực tuyến được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam (chiếm 91%), tiếp theo là mua sắm qua các trang mạng xã hội, các trang web của thương hiệu và cuối cùng là hình thức siêu thị online (ví dụ như Coop Mart, BigC,…).
Trong đó, các trang thương mại điện tử nổi tiếng với người dân Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Thegioididong, Điện máy xanh, A đây rồi và FPT.
Bên cạnh đó, thiết bị mua sắm trực tuyến được nhiều người sử dụng nhất là ứng dụng trên điện thoại di động (chiếm 60%), tiếp theo là trình duyệt trên điện thoại di động, máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng.
Thời trang là mặt hàng được mua sắm nhiều nhất của người Việt Nam, tiếp theo sau là các mặt hàng mỹ phẩm và điện thoại di động, đồ công nghệ thông tin. Ngoài ra, trong danh sách mua sắm của người dân Việt Nam còn có cả đồ dùng mẹ và bé, đồ ăn, sách, đồ lưu niệm,… nhưng tuy nhiên lại không quá phổ biến. 89% trong số những người được hỏi trả lời rằng họ thường mua sắm qua Facebook, con số tương tự với Zalo là 7% và với Instagram là 3%.
Theo thống kê, 17% trong số những người được hỏi thích mua sắm qua các mạng xã hội hơn là mua sắm trên các trang thương mại điện tử thông thường. Lý do được đưa ra là vì mua sắm trên các trang mạng xã hội sẽ thuận tiện hơn cũng như dễ dàng để tương tác, trò chuyện hơn.
Mua sắm trên mạng xã hội trở nên phổ biến tại Việt Nam là bởi thời gian sử dụng mạng xã hội của người dân là vô cùng lớn. Thống kê từ Q&Me cho thấy Facebook, Youtube, Zalo chiếm tới 51% thời gian của người dùng.
Cụ thể, người dùng đã quá quen thuộc và trung thành với các trang mạng xã hội, cụ thể là Facebook, cũng như quen với việc nhắn tin để trò chuyện qua điện thoại, máy tính để bàn. Đặc biệt, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều người dân coi việc kinh doanh là một công việc tay trái và họ chọn Facebook là nơi kinh doanh bởi dễ dàng và chi phí rẻ.
Đại dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt Nam khi chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.