Cứ tưởng chỉ những người nghèo mới ăn khoai nhưng thực ra, người giàu cũng thích món khoai lắm! Chỉ có điều, họ ăn lấy vui còn bà con ta thì… ăn lấy no!
Xét về mặt hương vị thì khoai lang hơn đứt mấy loại cây lương thực khác. Nó có hàm lượng đường cao nên có vị ngọt, ăn rất hấp dẫn. Tuy hàm lượng dinh dưỡng ở khoai lang thấp hơn ở khoai tây, nhưng dân ta vẫn thích ăn khoai lang luộc hơn khoai tây. Người cầu kỳ còn cắt khoai lang thành từng khoanh và đem đi hấp. Khi chín, những lớp mật ứ trên miếng khoai ăn rất ngon.
Ở khu du lịch Sa Pa, buổi tối, khách thường kéo ra khu chợ để thưởng thức khoai lang nướng. Nó không những nóng hổi, ngọt lừ, mà còn có hương thơm ngào ngạt. Du khách nước ngoài rất thích khoai lang nướng…
Khoai lang còn được làm ra hàng loạt các loại bánh trái khác nhau. Tuy nhiên, giá khoai lang lại luôn luôn rẻ. Sợ dân mình coi thường nên các cụ vẫn dặn:
“Được mùa chớ phụ ngô khoai. Đến khi thất bát, lấy ai bạn cùng”.
Ấy thế mà gần đây, có loại khoai lại lên giá ngất ngưởng. Đó là khoai lang Nhật Bản. Người đầu tiên nghĩ tới việc này là anh nông dân Đỗ Quý Hạo. Anh tìm trên mạng và thấy người Nhật cũng ăn khoai lang nhưng giống của họ là giống khác. Anh nhờ các nhà khoa học sang Nhật và đưa vài dây khoai đó về. Anh nhân chúng ra rồi đem đi trồng. Khi đã có kha khá khoai, anh lại chào bán trên mạng. Người Nhật biết tin đã kéo sang mua hết khoai của anh. Thế là từ đó, dân ta nô nức trồng khoai lang Nhật Bản.
Ở tỉnh Đăk Nông, riêng 2 huyện Tuy Đức và Đăk Song, vụ thu đông 2010 đã trồng tới gần 2.000ha khoai lang Nhật Bản lãi suất lên tới trên 100 triệu/ha. Anh nông dân Vũ Văn Tiên ở thôn Thuận Tình, xã Thuận Hạnh của huyện Đăk Song trồng 3ha và lãi tới 327 triệu/vụ. Khoai lang đâu có khó trồng. Đất nào cũng trồng được chúng. Chỉ có điều chớ trồng chúng liên tục trên một thửa đất. Ông cha ta có câu: “Khoai đất lạ, mạ đất quen”.
Sau mỗi vụ khoai, bà con ta nên luân canh khoai lang với ngô, lúa, rau, đậu hoặc các loại cây trồng của địa phương.
Cần làm đất kỹ và bón lót đầy đủ. Ta dùng phân chuồng đã ủ kỹ và toàn bộ phân lân để bón lót. Sau khi trồng, ta bón thúc thêm 2 đợt nữa. Lưu ý, riêng đối với cây khoai lang, ta phải nhấc dây và vun luống để cây tập trung nuôi cho củ.
Nhớ chọn giống có nguồn gốc rõ ràng và liên kết với nhau để có đầu tiêu thụ thuận lợi.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.