Kinh tế số có dành cho lao động phi chính thức?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 30/07/2024 19:00 PM (GMT+7)
“Tôi mong muốn được học nghề hoặc ít nhất được đào tạo kỹ năng bán hàng trên nền tảng số nhưng vẫn chưa tìm được lớp học. Tìm hiểu học thêm bên ngoài thì có lớp nhưng học phí cao mà chất lượng cũng không biết thế nào...”, một lao động chia sẻ.
Bình luận 0

Kinh tế số: Tận dụng chuyển đổi số, lao động học nghề tăng thu nhập

Sáng nay (30/7), Báo Kinh tế Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số: Thực trạng và các cơ hội”.

Tại tọa đàm, bà Vũ Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, hiện nay trung tâm đang ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông về hoạt động đào tạo nghề miễn phí cho lao động thất nghiệp. Từ thực tế tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp đã có những kết quả đáng chú ý, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ số để khởi nghiệp và cải thiện cuộc sống.

Kinh tế số có dành cho lao động phi chính thức?- Ảnh 1.

Tận dụng nền tảng kỹ thuật số để đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động tự do. Ảnh: Dương Nguyễn

“Ví dụ như với nghề bán hàng online, nhiều học viên sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề tại Trung tâm đã bắt đầu mở các cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng như Shopee, Facebook Marketplace, Zalo, Grabfood, Gojek... Việc này giúp họ tiếp cận được lượng khách hàng rộng lớn hơn và tăng doanh thu một cách đáng kể. Với nghề sáng tạo nội dung số, một số học viên đã học cách tạo và quản lý nội dung trên các nền tảng như YouTube, TikTok, và Instagram. Họ sản xuất các video hướng dẫn, chia sẻ kiến thức”, bà Liễu chia sẻ.

Điển hình như học viên Khuất Thị Hồng Hảo (Sơn Tây, Hà Nội) bị mất việc do dịch Covid -19. Chị đã đăng ký lớp pha chế đồ uống tháng 6/2021, tốt nghiệp tháng 5/2022. Hiện tại, chị đang kinh doanh cửa hàng cà phê tại Thị xã Sơn Tây, đồng thời xây dựng hình ảnh qua kênh Zalo. Tương tự, học viên hưởng bảo hiểm thất nghiệp Nguyễn Thị Hải An (Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi tốt nghiệp khóa học kỹ thuật nấu ăn tại trung tâm vào tháng 5/2023, cũng đã xây dựng kênh bán hàng online qua Shopee và Grab Food. Hiện giờ thu nhập hàng tháng của chị An không dưới 35 triệu đồng/tháng.

Kinh tế số: Lao động phi chính thức vẫn khó tiếp cận học nghề

Không có may mắn như các lao động thất nghiệp được tiếp cận các lớp học nghề miễn phí, dù rất nhiều lần mong muốn được học lớp kinh doanh online nhưng anh Nguyễn Quang Huy (30 tuổi) Thanh Hóa vẫn chưa tìm được lớp.

Anh Huy cho biết, anh làm nghề bán hàng online đã được 5 năm. Thời gian đầu chủ yếu bán qua facebook, sau này anh mới được tiếp cận với hoạt động quảng cáo trực tuyến và livestream, tuy nhiên vì làm chưa thạo nên hiệu quả kinh doanh chưa như mong đợi.

“Tôi mong muốn được học nghề hoặc ít nhất được đào tạo kỹ năng bán hàng trên nền tảng số nhưng vẫn chưa tìm được lớp học. Tìm hiểu học thêm bên ngoài thì có lớp nhưng học phí cao mà chất lượng cũng không biết thế nào”, anh Huy nói.

Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều lao động làm việc tự do có mong muốn học nghề hiện nay.

Kinh tế số có dành cho lao động phi chính thức?- Ảnh 2.

Ông Đào Trọng Độ chia sẻ về những cơ hội cho đào tạo nghề trong nền kinh tế số. Ảnh: N.T

Giải đáp thắc mắc này của người lao động, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) cho biết, thực tế hiện nay có khá nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động phi chính thức theo hình thức trực tuyến, nhất là đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, không phải lao động nào cũng có thông tin.

“Người lao động có thể học lý thuyết online qua các nền tảng số và thực hành kỹ năng ngay chính tại nơi mình làm việc. Sau đó, nếu cần có thể thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề. Tuy nhiên, đúng là ít lao động nắm được các thông tin về các lớp học này”, ông Độ nói.

Theo ông Độ, công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực phi chính thức từ lâu được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Nghị quyết 06 của Chính phủ có nhiều giải pháp cụ thể, huy động sự tham gia của DN trong quá trình đào tạo vì DN biết họ cần lao động có kỹ năng nào?

Ông Độ lấy ví dụ với DN dệt may, kể cả khi tuyển người lao động có tay nghề, mỗi DN vẫn có những yêu cầu, kỹ năng khác nhau. Nếu giao các cơ sở đào tạo rất khó, trong khi DN đào tạo rất nhanh. DN là 1 trong nhưng trụ cột của giáo dục nghề nghiệp. DN có thể tham gia nhiều khâu đào tạo như: trực tiếp đào tạo; phối hợp đào tạo theo đặt hàng.

Liên quan đến mức hỗ trợ đào tạo nghề theo QĐ 46 được cho là còn thấp, chưa phù hợp, ông Đào Trọng Bộ cho biết, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ sửa đổi một số quy định để phù hợp bởi mức hỗ trợ (ăn, đi lại, chi phí đào tạo). Năm 2024, Chính phủ đã đưa vấn đề này vào chương trình công tác và đang xin ý kiến các cơ quan liên quan với quan điểm nâng mức hỗ trợ, trao quyền cho các địa phương quyết định mức hỗ trợ cho các đối tượng và từng loại hình hỗ trợ; đồng thời huy động các tổ chức tham gia.

“Thách thức đan xen với thời cơ, tuy nhiên thời cơ vẫn là nhiều hơn. Chuyển đổi số sẽ tạo ra những cơ hội chưa từng có cho hoạt động đào tạo nghề. Lao động nào tận dụng được chuyển đổi số, tận dụng được những kỹ năng thông qua đào tạo nghề thì có thể tìm kiếm được công việc chất lượng, gia tăng năng suất và thu nhập”, ông Độ khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem