Kơ pan- biểu tượng sung túc

Thứ hai, ngày 06/12/2010 17:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kơ pan là một chiếc ghế mộc kích thước đồ sộ, gỗ nguyên khối dài từ 11m trở lên, rộng từ 65-85cm, cao 0,5m, hơi cong dài ở hai đầu tạo nên dáng vẻ vững chắc, mạnh mẽ.
Bình luận 0

Một hộ không thể làm nổi kơ pan mà cần hợp sức của cả buôn lại trong thời gian cả tuần mới có thể hoàn thành.

Từ bao đời nay, các gia đình người Ê Đê đều coi chiếc ghế dài (còn có tên gọi kơ pan) là biểu tượng của sự giàu có, sung túc, là niềm tự hào của cả buôn làng. Gia đình nào có kinh tế khá giả, có tấm lòng hào hiệp, hay giúp đỡ xung quanh mới được cộng đồng ủng hộ cho tổ chức lễ hội làm kơ pan.

img

Vị trí chiếc kơ pan trong ngôi nhà của đồng bào Ê Đê.

Kơ pan là một chiếc ghế mộc kích thước đồ sộ, gỗ nguyên khối dài từ 11m trở lên, rộng từ 65-85cm, cao 0,5m, hơi cong dài ở hai đầu tạo nên dáng vẻ vững chắc, mạnh mẽ. Một hộ không thể làm nổi kơ pan mà cần hợp sức của cả buôn lại trong thời gian cả tuần mới có thể hoàn thành.

Đồng bào Ê Đê vẫn theo chế độ mẫu hệ nên gỗ để làm kơ pan phải được người phụ nữ trong gia đình chọn từ một cây rừng lâu năm, cao, to, thẳng, đã được thần linh chứng giám cho phép chặt từ rừng thiêng.

Dẫn đầu đoàn vào rừng chặt gỗ là ông chủ nhà cùng thầy cúng, tiếp đó là 7 người nam khỏe mạnh mang theo dao, búa, rìu. Đi cuối là dân làng và người nhà mang lương thực phục vụ. Đến chỗ cây lớn đã định, thầy cúng và chủ nhà phải chọn chiều cây đổ dọc theo dòng nước chảy rồi mới cho bổ rìu.

Cây bị ngả xuống, chặt sạch cành lá, những người thợ dùng rìu đẽo sơ qua thành chiếc kơ pan có hình chiếc thuyền, rồi mọi người khiêng về buôn, vừa đi vừa khua chiêng, múa hát. Đến đầu lối vào buôn, đám rước dừng lại để chủ nhà và thầy cúng phủ vải đỏ lên chiếc kơ pan rồi mới đưa về đặt ở dưới gầm sàn nhà chủ. Các ngày sau đó, những người thợ khéo tay nhất buôn sẽ chạm khắc những hoa văn có tính biểu tượng truyền thống Ê Đê lên chiếc kơ pan và họ được chủ nhà nuôi cơm rượu.

Kơ pan hoàn thành, dân trong buôn tập trung đông đủ, sau khi được thầy cúng làm lễ đặt tên xác nhận chủ sở hữu sẽ được khiêng vào gian khách, đặt dọc vách phía tây nhà. Khi ấy lễ cầu Giàng chính thức diễn ra. Thầy cúng ngồi ở đầu kơ pan, cầm chiếc que dài nhúng vào bát đồng đựng tiết lợn pha rượu và bôi dọc theo kơ pan để yểm giữ tài sản cho chủ nhà. Việc cúng Giàng kết thúc, bà con ăn mừng cùng chủ kơ pan.

Theo quan niệm cổ xưa, gia đình nào làm được kơ pan, chủ nhà kiêng không đi làm gì trong 3 ngày sau lễ hoàn thành. Ngày nay, họ không thực hiện nhiều thủ tục kiêng kỵ như trước, nhưng những bữa liên hoan chúc mừng vẫn diễn ra thâu đêm đến sáng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem