Kon Tum: Cây quý "quốc bảo" ví như "cây triệu đô" là cây gì mà ở đây khuyến khích nông dân trồng và nhân giống?

Trần Hiền Thứ bảy, ngày 06/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
"Quốc bảo" sâm Ngọc Linh với giá bán lên tới hơn 100 triệu đồng/ kg củ tươi đang hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tỉnh Kon Tum. Chính giá trị to lớn này, chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã và đang nâng cao chất lượng cũng như số lượng "cây triệu đô" quanh vùng núi Ngọc Linh
Bình luận 0

Người dân mong muốn phát triển cây triệu đô

Vượt qua hơn 100km đường đèo núi quanh co và con dốc dựng đứng trên đèo Măng Rơi, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), chúng ta sẽ đặt chân đến vùng đất thủ phủ của cây sâm Ngọc linh. 

Với độ cao bình quân 1.300 mét so với mực nước biển, núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) là vùng đất lý tưởng cho giống sâm Ngọc Linh sinh trưởng, phát triển.

Kon Tum: Khuyến khích nông dân trồng và phát triển cây triệu đô - Ảnh 1.

Người dân tỉnh Kon Tum đã và đang phát triển mở rộng cây "Quốc bảo" cây triệu đô mang tên sâm Ngọc Linh

Một trong những vườn sâm phát triển tại địa phương này, không thể không kể đến vườn sâm Ngọc Linh của gia đình ông Nguyễn Văn Khải (xã Măng Rơi). Gia đình ông Khải là một trong những hộ gia đình hưởng ứng đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum).

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Khải bộc bạch: "Thấy được giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh, bên cạnh đó khí hậu ở đây cũng khá thích hợp nên gia đình đã quyết định bỏ vốn đầu tư trồng cây làm giàu này. 

Sau khi đã quyết định, tôi bỏ ra 500 triệu đồng để đầu tư gồm tiền mua cây sâm Ngọc Linh giống và tiền thuê đất rừng để trồng. Sau 3 năm, hiện gia đình tôi đã sở hữu một vườn sâm Ngọc Linh xanh tốt, bước đầu đã đem lại thu nhập, giúp gia đình ổn định cuộc sống".

Tương tự ông Khải, anh Hà Văn Đại (40 tuổi, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) hiện cũng đang sở hữu trang trại 1 ha sâm Ngọc Linh trên núi cao thuộc huyện Kon Rẫy (Kon Tum).

Anh Đại là một trong những nông dân chân đất phất lên nhờ các loại cây dược liệu, trong đó phải kể đến cây sâm Ngọc Linh và sâm dây.

Kon Tum: Khuyến khích nông dân trồng và phát triển cây triệu đô - Ảnh 2.

Người dân tỉnh Kon Tum mong muốn phát triển cây triệu đô-cây sâm Ngọc Linh.

Sau nhiều năm "sống chung" với các loại sâm và đặc biệt thành công với việc trồng và phát triển sâm dây, những năm gần đây, tỷ phú sâm dây này có hướng phát triển loại cây triệu đô mang tên sâm Ngọc Linh.

Kon Tum: Khuyến khích nông dân trồng và phát triển cây triệu đô - Ảnh 2.

Vườn sâm Ngọc Linh rộng khoảng 1 ha của anh Hà Văn Đại, xã xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện bắt tay, thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh, anh Đại kể lại: "Khi bắt tay trồng sâm dây trên huyện Kon Plông, tôi cũng có thử nghiệm sâm Ngọc Linh..Tuy nhiên có lẽ vì không phù hợp nên giống cây sâm Ngọc Linh cũng không phát triển như kỳ vọng. 

Đến năm 2013, khi đã có vốn liếng tôi bắt đầu tập trung vào đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh song song với các loại dược liệu khác...".

Tuy nhiên, anh Đại không trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Kon Plông mà  trồng ở huyện Kon Rẫy. Trong 1ha này hiện có khoảng 15.000 cây sâm Ngọc Linh đang phát triển.

Còn hạt giống sâm Ngọc linh mới gieo đã có khoảng 4.000-5.000 nghìn hạt mới bắt đầu nảy mầm. Hiện đối với củ sâm Ngọc Linh sẽ giao động từ 75-150 triệu đồng/kg, tùy theo kích thước và độ già. Về cây sâm Ngọc Linh giống, tùy theo năm, loại cây 1 năm sẽ có giá 300.000 đồng/cây, cây 2 năm 450.000 đồng/cây.

Theo anh Đại, từ khi thu hoạch gia đình anh đã thu về khoảng trên 10 ký củ sâm Ngọc Linh, về cây sâm Ngọc Linh giống mỗi năm xuất bán từ 3.500 - 4.500/cây/năm. 

Nói chung, ở huyện Kon Rẫy khí hậu khá thích hợp, cây sâm Ngọc Linh phát triển rất tốt. Người dân ở đây muốn nhân rộng diện tích nhưng lại gặp khó về đồng vốn. Bên cạnh đó, đường xá đi lại cũng rất khó khăn, một số loại bệnh thường gặp ở sâm Ngọc Linh như rỉ sắt, thối củ…

Kon Tum: Khuyến khích nông dân trồng và phát triển cây triệu đô - Ảnh 3.

Từ khi thu hoạch của sâm Ngọc Linh, anh Hà Văn Đại (xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã thu bán trên 10 kg củ sâm Ngọc Linh, còn về bán cây sâm Ngọc Linh giống thì rất nhiều

Theo người dân trồng sâm Ngọc Linh, cái khó hiện nay là các cơ sở gieo ươm, sản xuất giống sâm Ngọc Linh còn rất hạn chế. 

Nếu mua phải các cây sâm Ngọc Linh giống không chất lượng không chỉ thất thu, mà còn gây ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của sâm Ngọc Linh. 

"Để giải quyết khó khăn này, những hộ tham gia dự án trồng sâm Ngọc Linh đã tự cung cấp cây sâm giống cho nhau. Mỗi năm, cây sâm Ngọc Linh sẽ kết hoa một lần, mỗi chùm hoa có thể thu được 17 đến 18 hạt sâm. Nguồn hạt sâm giống này sẽ được cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu mở rộng hoặc đầu tư mới các vườn sâm Ngọc Linh", ông Dương Tuấn Anh ( trú xã Măng Rơi) cho hay.

Chính quyền tạo điều kiện, khuyến khích người dân trồng sâm Ngọc Linh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khoảng hơn 800 ha trồng dược liệu; trong đó, Đảng sâm gần 126 ha còn lại là sâm Ngọc Linh. Doanh nghiệp trồng và phát triển sâm Ngọc Linh lớn nhất trên địa bàn phải kể đến Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh với 500ha.

Việc phát triển chiều sâu, tăng giá trị của sâm Ngọc Linh đặc biệt được tỉnh Kon Tum chú trọng. Hiện đã có 2 doanh nghiệp tham gia chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng và kinh tế cao từ cây sâm Ngọc Linh.

Kon Tum: Khuyến khích nông dân trồng và phát triển cây triệu đô - Ảnh 5.

Hiện giá bán củ sâm Ngọc Linh ngay tại địa bàn tỉnh Kon Tum đang giao động từ 75-150 triệu đồng/kg, tùy theo kích thước và độ già của củ.

Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum với 7 sản phẩm đang có mặt trên thị trường như: Dịch chiết Sâm Ngọc Linh K5, K5 Sâm Ngọc Linh mật ong, Sâm Ngọc Linh K5 - BLUE, Sâm Ngọc Linh K5 – GOLD, Sâm Ngọc Linh tươi K5, Trà lá Sâm Ngọc Linh K5, Sâm Ngọc Linh củ ngâm bình K5. 

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Sâm  Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cũng đã có 2 sản phẩm là nước uống Collagen Sâm Ngọc Linh, Trà Sâm  Ngọc Linh hòa tan đang được giới thiệu ra thị trường.

Kon Tum: Khuyến khích nông dân trồng và phát triển cây triệu đô - Ảnh 6.

Chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức ở tỉnh Kon Tum cấp phát giống sâm NgọcLinh cho người dân

Ông Vương Văn Mười – Phó Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết: "Xác định cây sâm Ngọc Linh là cây "xóa đói giảm nghèo", cây làm giàu chủ lực cho đồng bào địa phương nên trong 5 năm trở lại huyện Tu Mơ Rông đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp trồng cây sâm Ngọc Linh. 

Hiện ở Tu Mơ Rông đã có 2 doanh nghiệp đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh với diện tích 485ha. Nếu năm 2016, người dân chỉ mới trồng hơn 3,5 ha sâm Ngọc Linh, thì nay số hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh đã tăng lên với diện tích gần 70 ha".

Theo ông Mười, để phát triển sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đang tiến hành xây dựng Đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác. 

Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp cùng UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì và chăm sóc diện tích sâm Ngọc Linh hiện có, nhằm tạo nguồn cây sâm giống để mở rộng diện tích cho các năm tiếp theo. 

Đồng thời, xã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình chính sách để hỗ trợ giống cho nhân dân trồng sâm Ngọc Linh và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển, quản lý vùng dược liệu quý sâm Ngọc Linh trên địa bàn và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem