Người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang đối mặt với nguy cơ tai nạn từ hàng chục chiếc cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Xã Đăk Môn (Đăk Glei) có 2 cây cầu treo tại thôn Ri Nầm và Đăk Nai được xây dựng từ chục năm trước. Cầu treo thôn Đăk Nai chỉ còn lèo tèo vài thanh gỗ do người dân lót tạm bợ để vượt suối.
Bà Y Viên - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Môn cho biết: Cả hai cây cầu đã bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng cơn bão số 9 năm 2009. Những miếng sàn cầu bằng gỗ là do ván sắt bị cuốn trôi, người dân phải lót vào để dùng tạm. Mỗi lần mưa bão, xã lại phải cử người tháo dỡ lớp ván mang về cất vì sợ trôi đi mất, hết bão lại mang ra lắp. Chúng tôi đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí để sửa chữa từ tháng 5.2013 nhưng chưa được giải quyết…
Đồng cảnh ngộ là chiếc cầu treo bắc qua suối Đăk Tu ở xã Đăk Long (Đăk Glei). Cây cầu treo này có chiều dài khoảng 40m, chiều rộng chỉ 1m. Dây cáp treo mỗi bên được làm bằng 2 cây sắt loại phi 8 cuộn lại với nhau. Sàn cầu hiện là những ván gỗ đã mục nát, nhiều tấm đinh nhô lên mặt sàn. Trụ cầu được đóng tạm bằng cây gỗ tròn.
Cây cầu là con đường độc đạo để vận chuyển nông sản của người dân. Mỗi khi có xe máy chở hàng đi qua, cầu lại rung lên bần bật khiến người yếu bóng vía tối mặt khi nhìn xuống dòng suối đục ngầu… Thế nhưng người dân ngày ngày vẫn đánh đu qua cầu, phó mặc tính mạng cho may rủi.
Dọc theo dòng sông Pô Kô đoạn qua địa phận huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), khoảng 5 cây cầu treo cũng đang trong tình trạng mất an toàn. Nhiều cây cầu có phần mố bị nước xói mòn, ăn khuyết sâu vào chân cầu. Nhiều đoạn như ở thôn Cà Nhảy, Dục Nhầy, xã Dục Nông (Ngọc Hồi), người dân vẫn sử dụng cáp treo đu qua sông và vận chuyển nông sản.
Một người dân thôn Dục Nhầy cho biết, trước đây có cán bộ của Tòa án huyện Ngọc Hồi có việc phải đi đu dây cáp qua sông, khi ra giữa sông do hoảng sợ nên bị rơi xuống suối, rất may nước sâu nên không bị thương nặng.
Quốc Dinh (Quốc Dinh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.