Kong: Skull Island và câu chuyện “hữu xạ tự nhiên hương”

Minh Phong Chủ nhật, ngày 12/03/2017 07:34 AM (GMT+7)
Khi Kong: Skull Island đang biến Việt Nam thành tâm điểm và các hãng lữ hành quốc tế bắt đầu bán tour thăm quê hương Kong với giá từ 2.055 USD thì các nhà làm luật cần bắt nhịp để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới thường xuyên hơn.
Bình luận 0

Từ chính 2 đoạn clip này mà thế giới biết đến Việt Nam như là tâm điểm hoàn toàn mới lạ, khác biệt lộng lẫy cùng với hình ảnh trong phim.

Để tiếp thị hình ảnh của mình trong bộ phim mới nhất của chuỗi phim điệp viên 007 sắp ra mắt phần “James Bond 24 Spectre”, Mexico đã chi 14 triệu đô để hãng Sony Pictures bấm máy tại đất nước này. Với Kong: Skull Island quay ở Hawaii, chính phủ Mỹ đã giảm 25% chính sách thuế, một số phân đoạn quay tại Australia, chính phủ nước này hoàn thuế 16,5%, giảm 30% cho bất kỳ khâu sản xuất, hiệu ứng hình ảnh công việc thực hiện ở nước này. Nó không phải chính sách dành cho Kong mà chính sách dành cho bất cứ dự án phim lớn nào, trong đó Kong là một ví dụ.

img

Một cảnh quay trong King: Skull Island.

Trên thế giới như Pháp hay các quốc gia Châu Âu có luật cho phép giảm 20% thuế nhập khẩu đạo cụ, máy móc liên quan đến những dự án phim ảnh và hoạt động truyền hình. Ở khu vực Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia đãi ngộ rất lớn các hãng phim. Thái Lan ra luật với mỗi bộ phim có kinh phí từ 1,5 triệu đô trở lên, sẽ hỗ trợ chi phí sản xuất 15%, nếu có diễn viên Thái Lan tham gia hành động hỗ trợ 3%.

Với Kong: Skull Island, Việt Nam trở thành tâm điểm, bởi như đạo diễn Jordan Vogt-Roberts nói: “Đảo đầu lâu, vùng đất mà Chúa chưa kiến tạo xong. Chúng tôi đã tìm khắp thế giới để có những địa điểm chưa từng xuất hiện trên màn ảnh và một địa điểm quan trọng là chúng tôi nhắm tới Việt Nam. Kế hoạch là tìm những vẻ đẹp khác nhau, hòa trộn chúng với nhau, thành một thứ có một không hai như "đảo Đầu lâu". Tôi nghỉ hầu hết thế giới chưa biết đến Việt Nam đẹp lộng lẫy như thế nào. Những phong cảnh tuyệt vời này. Họ không biết chúng còn tồn tại. Quá đẹp, hãy nhìn mà xem. Thật khó mà tin được. Và chúng tôi thật sự yêu văn hóa, con người và mọi thứ của đất nước này. Những địa điểm ở đó thật sự đẹp”.

Chính vì thế mà bộ phim đã vượt qua rất nhiều rào cản để đến với Việt Nam, thuế nhập khẩu máy móc, đạo cụ, chi phí phải trả đều tính toán không có giảm, đoàn làm phim vẫn quyết định đến với các địa danh của đất nước thực hiện các cảnh quay mà bây giờ cả thế giới đều chiêm ngưỡng.

img

Một Việt Nam đẹp và hùng vĩ

Thật sự Việt Nam mấy ngày nay và đến những ngày sau nữa, các phòng vé toàn cầu luôn ngập tràn hình ảnh một đất nước đẹp lạ kỳ trong phim Kong 2017. Nhưng đã đến lúc, Việt Nam không thể để “hữu xạ tự nhiên hương” đến với thế giới mà cần những chính sách hội nhập điện ảnh nhằm tạo ngõ ra với thế giới trong các bộ phim bom tấn phát hành đến hàng trăm quốc gia vùng lãnh thổ với hàng chục ngàn rạp chiếu ở các châu lục.

Không chỉ cảnh đẹp sẽ thu hút các hãng phim, mà chính sách thuế linh hoạt sẽ kích hoạt quảng bá hình ảnh ra toàn cầu một cách bài bản. Gần nhất là Campuchia, năm 2016 đã có gần 100 bộ phim nước ngoài quay tại đất nước này với chính sách điện ảnh hỗ trợ các đoàn làm phim đã nâng tầm tiếp thị hình ảnh quốc gia này, đưa lại lượng lớn khách du lịch quốc tế đến du lịch nườm nượp và dòng thuế miễn cho điện ảnh đã tăng thêm vào cho lữ hành quốc gia, nhưng lợi ích lớn hơn là họ không chỉ một bộ phim mà gần cả trăm bộ phim quảng bá hình ảnh đất nước Angkor Wat mỗi năm.

Với Thái Lan, bất cứ dự án phim nào thúc đẩy đưa hình Thái Lan ra quốc tế đều được hỗ trợ ngân sách 2%. Vì thế mà mỗi năm, các hãng phim lớn của quốc tế đều có cảnh quay ở Thái Lan. Những năm gần đây, các phim bom tấn hành động đều có diễn viên Thái hoặc khung cảnh bất cứ vùng nào của Thái.

Việt Nam mới chỉ trở thành tâm điểm với Kong: Skull Island như một cơ may chứ chưa phải tiếp thị bài bản để ekip sản xuất phim tìm đến. Họ chọn Việt Nam vì đa phần thế giới đều chưa biết những cảnh lộng lẫy này. Để hình ảnh yên bình, cảnh đẹp “nghẹt thở” ở các vùng quê vào được mắt xanh các nhà làm phim toàn cầu, Chính phủ cần có chính sách mới về điện ảnh nhằm tiếp thị hình ảnh Việt Nam ngày mỗi dày đặc hơn với đại chúng thế giới. 

Khi Kong: Skull Island đang biến Việt Nam thành tâm điểm và các hãng lữ hành quốc tế bắt đầu bán tour thăm quê hương Kong với giá từ 2.055 USD thì các nhà làm luật cần bắt nhịp để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới thường xuyên hơn. Phim bom tấn này hoàn toàn mang vấn đề giải trí, người xem thế giới rồi sẽ quên đi để đón nhận những điểm đến mới ở vô số bộ phim lớn khác ở thì tương lai. Khi các nước quanh khu vực sửa luật điện ảnh và chính sách thuế nhằm kích cầu phát triển du lịch, văn hóa, giải trí, kính tế… thì Việt Nam không nên đứng ngoài cuộc. 

Bởi các hãng phim lớn của thế giới đã liên kết lại và đưa ra một chính sách, rằng các dự án phim triệu đô sẽ không tự tìm đến các quốc gia mà những nước được chọn bối cảnh cần có gói ưu đãi, cam kết từ chính sách. Quốc gia, lãnh thổ nào có ưu đãi tốt họ sẽ đổ hàng triệu USD vào làm dự án phim. Lợi ích tiếp thị hình ảnh trên phim nước ngoài có sức lan tỏa rất lớn. Nếu sau Kong: Skull Island, Việt Nam vẫn giữ cách “hữu xạ tự nhiên hương” như đợi chờ sung rụng sẽ rất khó để các hãng phim tìm đến hoặc quay trở lại. Bằng chứng là từ năm 2016 khi Kong quay ở Việt Nam đến nay, các dự án phim mới rất dè dặt. Hãy biến Việt Nam thành tâm điểm của bối cảnh hàng trăm bộ phim mỗi năm bằng chính sách thuế thông thoáng, hình ảnh quê hương sẽ phổ cập nhiều hơn với đại chúng ngoài kia của thế giới đang cần “xách ba lô lên và đi”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem